Blockchain không 'cướp việc' của kế toán
Xu thế ngày càng phổ biến
Giám đốc Công nghệ thông tin của Công ty ICAEW David Lyford-Smith nhấn mạnh, công nghệ blockchain và thuế điện tử là xu hướng đang ngày càng phổ biến và mang lại những tác động tích cực cho ngành tài chính, kế toán và kinh doanh. Đây là thông tin tại hội thảo “Blockchain, Thuế điện tử và những tác động tới doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu” do Viện kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức.
“Blockchain” là một hệ thống lưu trữ chuỗi khối hay còn được biết với tên gọi sổ cái, cho phép một giao dịch hoặc một đầu vào dữ liệu có thể dễ dàng xem hoặc chia sẻ với nhiều người trong cùng một mạng lưới một cách có hệ thống, an toàn và có tính bảo mật cao.
“Nếu một lĩnh vực hoặc một hệ thống sử dụng blockchain, vấn đề bảo mật an toàn sẽ thay đổi. Cái chúng ta cần chú trọng không còn là sự đảm bảo về tài sản và sự chấp thuận của người khác (điều này là hiển nhiên trong môi trường blockchain). Thay vào đó, cần chú trọng vào sự ràng buộc giữa bản ghi blockchain và thế giới vật chất, và rộng hơn là vào việc phản ánh giá trị kinh tế thực của giao dịch trong blockchain”, ông David Lyford-Smith cho biết.
“Ví dụ, blockchain có thể đảm bảo chắc chắn về thời gian và số tiền mua các hàng hoá, nhưng không thể đảm bảo tình trạng của hàng hóa đó, hoặc giá trị của mặt hàng đó một khi điều kiện thị trường thay đổi”, ông David Lyford-Smith cho biết thêm.
Một trong những lĩnh vực ứng dụng blockchain nhiều là đăng ký đất đai. Nguồn gốc đất đai và lịch sử các cuộc giao dịch tài sản sẽ được mã hoá và lưu trữ bởi blockchain, một công cụ tuyệt vời giúp đảm tính minh bạch, khả năng kiểm chứng và khả năng hiển thị công khai những người trước đây đã sở hữu, bán và chia đất.
Ngày nay, việc xử lý công việc kinh doanh, tài chính trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến. Một số bộ phận tài chính gần đây đã tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các tính năng công nghệ tinh vi như tự động hoá, trí tuệ nhân tạo.
Ví dụ, một số tổ chức đang sử dụng trợ lý ảo (virtual assistant) để trả lời các câu hỏi từ các nhà cung cấp về hoá đơn và chứng từ thanh toán thay vì để nhân viên tài chính thực hiện các công việc này. Trên thế giới, các quốc gia cũng đang chi khoản đầu tư đáng kể vào tự động hóa quy trình chuyên sâu, tập trung nhiều hơn vào các trung tâm dịch vụ chia sẻ, các trung tâm xử lý dữ liệu có kết nối quy mô toàn cầu.
Thay đổi giữa người đóng thuế và cơ quan quản lý thuế
Một ví dụ điển hình nữa là sự thay đổi đang diễn ra trong mối quan hệ giữa các cá nhân, doanh nghiệp đóng thuế với cơ quan quản lý thuế quốc gia và vai trò của các nhà tư vấn chuyên nghiệp, trong đó có kế toán.
Nghiên cứu gần đây của ICAEW về hoạt động kỹ thuật số hoá hệ thống thuế tại 7 quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng, với mức độ tự động hóa, khả năng phân tích lớn hơn và trên hạ tầng cơ sở dữ liệu kết nối, cơ quan quản lý thuế có thể đưa ra những thông tin khai thuế cơ bản dựa trên nguồn dữ liệu tự có, sau đó gửi thông tin này tới cá nhân và doanh nghiệp đóng thuế để họ xác nhận.
Tại Việt Nam, thuế điện tử bắt đầu được triển khai từ năm 2009 và đến năm 2015 nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã bỏ hình thức khai nộp thuế bằng giấy mà chuyển sang kê khai bằng thuế điện tử.
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó TGĐ Bộ phận Tư vấn thuế, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho biết: “Việc kê khai thuế điện tử đã được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hình thức kê khai thuế mới này mang lại sự minh bạch, rõ ràng và giảm bớt thủ tục giấy tờ, giúp người nộp thuế tiết kiệm được nhiều thời gian”.
Bên cạnh các cơ hội mới, đang có nhiều lo lắng trước sự tác động của công nghệ tới lĩnh vực tài chính, kế toán như sự sụt giảm về nhu cầu nhân sự kế toán (nhân sự đóng vai trò trung gian). Tuy nhiên, ông David Lyford-Smith cho rằng, công nghệ không lấy đi việc làm của các kế toán viên mà chỉ khiến công việc của họ trở nên hiệu quả và có giá trị cao hơn.
Một vài công việc mà các kế toán viên đang làm hiện nay sẽ có thể được thay thế bởi blockchain, hoặc được thực hiện bởi công nghệ tự động hóa hay trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vai trò của các kế toán viên sẽ bị mất đi, mà chỉ đơn giản là công việc của hoạt động tài chính kế toán sẽ thay đổi theo hướng gắn liền với các phần mềm và chương trình máy tính nhiều hơn.
Và do đó, những kế toán viên chuyên nghiệp sẽ chuyển sang làm những công việc có nhiều giá trị hơn, đảm nhiệm những mảng việc phức tạp như phân tích, dự báo và thực hiện các dịch vụ tư vấn. Từ đó, họ sẽ có những đóng góp giá trị hơn cho tổ chức và doanh nghiệp trên vai trò mà họ đảm nhiệm”.
Hiện tại, số người sở hữu tiền điện từ và sử dụng blockchain ở Việt Nam chỉ chiếm khoản 1% dân số. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng như hiện nay, trong khoảng 10 năm tới số lượng người sử dụng blockchain ở Việt Nam lên tới 30 triệu người. (chuyên gia Terry O'Hearn đến từ Canada chia sẻ tại hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối Blockchain”)