Bình Thuận 'khát' bến du thuyền
Ngày 13/10/2016, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch Tổ chức thực hiện Đề án Xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, Bình Thuận đặt mục tiêu thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển thể thao biển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Kế hoạch đề ra, đến năm 2020, xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thu hút khoảng trên 6 triệu lượt du khách (chiếm khoảng 90-95% lượng du khách đến Bình Thuận), trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 800.000 lượt (khoảng 12-15%).
Trong đề án, Bình Thuận, tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc thù tại các khu du lịch dọc theo bãi biển từ xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình đến xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, với trung tâm là Khu du lịch Hòa Thắng (Bắc Bình) - Mũi Né - Hàm Tiến (Phan Thiết) và các khu du lịch vệ tinh.
Đáng chú ý, địa phương này thực hiện quy hoạch đầu tư 15 bến du thuyền được bố trí ở các khu du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch - thể thao biển độc đáo, hiện đại gồm: Phú Thủy - Phan Thiết (1), Mũi Né (2), Tiến Thành (2), Bắc Bình (3), La Gi (3), Tuy Phong (2), Hàm Thuận Nam (1) và Hàm Tân (1).
Đồng thời, UBND tỉnh này chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát các quy hoạch phân khu tại các địa bàn ven biển để tạo quỹ đất phát triển du lịch - thể thao biển; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng các khu vực hoạt động du lịch - thể thao biển, hệ thống bến du thuyền phục vụ du lịch - thể thao biển đã xác định trong đề án.
Theo đó, Bình Thuận đã tiến hành phối hợp với các cơ quan liên quan xác định vị trí bến du thuyền trên địa bàn tỉnh gồm dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp khu dân cư De Lagi của công ty Cổ phần đầu tư 577, khu vực bãi biển Đồi Dương, khu vực Ngảnh Tam Tân (thị xã La Gi); Khu vực cảng Phú Quý hiện hữu, khu vực Hòn Tranh, vị trí khu Bãi Phủ (huyện Phú Quý); Dự án kinh doanh trên mặt nước biển cố định Rạng Đông và dự án Long Cung thuộc dự án khu đô thị du lịch biển Marina Mũi Né, dự án đầu tư ở khu du lịch Đồi Bạch Dương và Thung lũng Đại dương (TP Phan Thiết).
Sở Xây dựng cũng đã tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác góp ý, định hướng xây dựng bến du thuyền trên địa bàn tỉnh (đã được UBND tỉnh thống nhất tại Văn bản số 1898/UBND-KGVX ngày 23/5/2017) và đã được cập nhật trong quá trình rà soát điều chỉnh các đồ án quy hoạch.
Việc triển khai Đề án đã thu hút nhiều dự án lớn về bất động sản và du lịch trong những năm qua. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, chưa được cấp tuyến theo quy định (đối với huyện Phú Quý), các cơ quan liên quan chưa có đánh giá cụ thể về quy mô, chức năng… của các bến du thuyền nên đến nay vẫn chưa có bến du thuyền nào được thi công và đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, Sở Văn hóa Thê thao và Du lịch cũng cho rằng, việc giải quyết vướng mắc về đất đai quy hoạch phát triển du lịch - thể thao biển chậm được tháo gỡ; thiếu chính sách khuyến khích đầu tư dự án du lịch - thể thao biển cũng như thu hút các dự án có quy mô lớn, loại hình mới đã làm hạn chế việc thực hiện Đề án nói chung và triển khai xây dựng các bến nói chung.