|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bình Thuận định hướng thành điểm du lịch biển hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương

11:09 | 24/02/2023
Chia sẻ
Bình Thuận đã đặt mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế cao ở Châu Á Thái Bình Dương. Hình thành các khu du lịch sinh thái, phát triển du lịch đảo Phú Quý là là điểm du lịch quốc gia.

(Ảnh: Hoàng Huy).

Thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Kế hoạch này đã xác định phát triển các ngành lĩnh vực ưu tiên, đầu tiên là đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.

Tiếp đến, phát triển du lịch sinh thái, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng biển có tầm quốc tế cao ở Châu Á -  Thái Bình Dương. Hình thành các khu du lịch sinh thái, phát triển du lịch đảo Phú Quý là là điểm du lịch quốc gia.

Cùng với đó, phát triển nghề cá xa bờ, đánh bắt, nuôi trồng hải sản giá trị hàng hóa cao gắn kết với dịch vụ thương mại nghề cá và chế biến xuất khẩu tập trung; phát triển khu căn cứ dịch vụ hậu cần trên biển tại Phú Quý. Hình thành các khu đô thị, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển gắn với cảng biển của tỉnh và cảng biển khu vực Đông Nam bộ.

Để triển khai kế hoạch này, Bình Thuận đã xác định một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đầu tiên, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, sử dụng đất… để thu hút đầu tư và liên kết hợp tác các tỉnh với nhau hình thành cụm liên kết ngành kinh tế biển, khu công nghệ cao, đô thị lớn ven biển.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo của tỉnh, kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, khu công nghệ cao, đô thị du lịch biển gắn với không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh.

Phối hợp các tỉnh, thành phố ở vùng biển Đông Nam Bộ mở rộng thực hiện lồng ghép nội dung nhiệm vụ phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan.

Chú trọng bố trí quy hoạch, sắp xếp các khu vực, không gian hoạt động ven biển theo ngành kinh tế biển; sắp xếp, bố trí kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế biển, liên kết không gian phát triển các khu cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, vùng du lịch, đô thị ven biển có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo sức hấp dẫn để thu hút đầu tư. 

Đồng thời, tạo lập cơ chế, chính sách thông thoáng cho phát triển và cộng tác giữa các doanh nghiệp trong ngành kinh tế biển và liên quan đến kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo kế hoạch, tỉnh yêu cầu tạo điều kiện để các chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, Khu công nghiệp Tân Đức...

Hoàng Huy