Làn sóng sa thải lao động mới tấn công các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc
Một làn sóng cắt giảm việc làm mới đã tấn công các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, khi áp lực pháp lý và việc thực thi “Zero Covid” đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh. Cho đến nay, vẫn chưa rõ lực lượng lao động của các Big Tech Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào vì ít tập đoàn, công ty công nghệ sẵn sàng công khai kế hoạch của họ. Dù vậy, nguồn tin của South China Morning Post (SCMP) cho biết sẽ có một đợt cắt giảm mạnh nhiều vai trò, vị trí việc làm trong ngành.
Big Tech Trung Quốc lao đao
Thepaper.cn đưa tin vào hôm 20/5 rằng gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi điện tử Tencent Holdings đang sa thải khoảng 100 nhân viên khỏi các kênh thể thao của mình. Trang tin Trung Quốc dẫn lời một người nội bộ của công ty có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết nhiều bộ phận đang cắt giảm nhân sự.
Quy mô cắt giảm việc làm khác nhau giữa các đội nhóm, phòng ban, công ty con - tùy thuộc vào lợi nhuận và tính chất kinh doanh của họ, một nguồn tin nói với tờ SCMP. Các mảng kinh doanh thua lỗ nặng, bao gồm điện toán đám mây và video, là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Tencent, đã phải chịu ít nhất hai đợt cắt giảm việc làm kể từ tháng 4, một nguồn tin khác cho biết.
Có những khi, toàn bộ đội ngũ hơn 20 nhân viên đã bị sa thải cùng một lúc, theo một nguồn tin thứ ba. Tất cả các nguồn đều từ chối nêu tên vì họ không được phép tiết lộ thông tin với giới truyền thông.
Tencent đã không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng người sáng lập và giám đốc điều hành Pony Ma Huateng cho biết trong một cuộc gọi với các nhà phân tích vào giữa tuần qua rằng công ty sẽ điều chỉnh một số hoạt động kinh doanh không hiệu quả sau khi báo cáo tăng trưởng doanh thu trì trệ trong quý đầu tiên năm nay.
Chủ tịch Tencent, Martin Lau Chi-ping hồi tháng 3 cho biết công ty sẽ rời bỏ hoặc sắp xếp hợp lý một số doanh nghiệp không hoạt động để kiểm soát số lượng nhân viên, nhưng tổng số nhân viên sẽ vẫn cao hơn vào cuối năm nay so với năm 2021.
Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding cũng bị cho là đang thu hẹp quy mô nhân sự. Báo cáo của Economics Weekly chỉ ra rằng, thay vì cắt giảm nhân sự trong một lần, công ty sẽ cho nhân viên rời đi lần lượt qua nhiều đợt cắt giảm việc làm, điều này sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị bao gồm DingTalk, Alibaba Cloud, Taobao và Taobao Deals. Tương tự như Tencent, Alibaba cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Vào tháng 3, Reuters đưa tin Alibaba và Tencent đang chuẩn bị cắt giảm hàng chục nghìn việc làm trong năm nay trong một trong những đợt sa thải lớn nhất của họ, trích dẫn các nguồn tin giấu tên. Trong cùng tháng, truyền thông cũng đã báo cáo rằng các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trữ đám mây và nội dung của Tencent là đơn vị đầu tiên phải chịu tác động. Phía Alibaba cũng đã bắt đầu cắt giảm nhân viên tại đơn vị dịch vụ địa phương đang thua lỗ.
Các công ty công nghệ Trung Quốc thường miễn cưỡng chính thức thừa nhận cắt giảm việc làm, một phần vì luật lao động của nước này yêu cầu cơ quan quản lý lao động có sự tham vấn và can thiệp của công đoàn nếu việc cắt giảm nhân viên liên quan đến hơn 20 người trong cùng một thời điểm.
Việc cắt giảm nhân sự nhiều hơn ở Big Tech Trung Quốc trong bối cảnh quy định không chắc chắn trong lĩnh vực công nghệ của đất nước và nền kinh tế cũng đang chậm lại vì chính sách trong việc phòng chống COVID-19.
Hồi tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi ở Trung Quốc là 18,2%, so với 13,9% ở châu Âu và 8,6% ở Mỹ, truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Lu Feng, giáo sư tại Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh trong một buổi hội thảo tuần trước cho hay.
Theo nghiên cứu của giáo sư Lu, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đã tăng lên kể từ giữa năm 2021, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và châu Âu ngược lại đang giảm dần.
Một số công ty công nghệ Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện các điều chỉnh để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình. Xiaohongshu, một nền tảng thương mại điện tử xã hội giống Instagram của Trung Quốc tiết lộ hồi tháng trước rằng họ đã buộc phải loại bỏ 9% nhân viên của mình.
Ông Chen Rui, giám đốc điều hành của nền tảng phát video trực tuyến Bilibili từng tuyên bố vào tháng 3/2022 rằng công ty nhắm đến mục tiêu “đảm bảo từng đồng chúng tôi chi ra đều hiệu quả hơn”. Trong cùng tháng, các giám đốc điều hành tại Kuaishou, nền tảng video ngắn phổ biến thứ 2 của Trung Quốc, cho biết trong một hội nghị rằng công ty chỉ đặt mục tiêu hòa vốn trong năm nay.
Để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ, chính phủ Trung Quốc dường như đang giảm bớt sự giám sát của mình đối với ngành công nghiệp này. Đầu tuần qua, Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước, đã tổ chức hội nghị chuyên đề đặc biệt với các nhà lãnh đạo công ty Big Tech lớn để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, gửi tín hiệu ủng hộ ngành công nghiệp đã trải qua 18 tháng khó khăn.