|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Biệt đội giải cứu' chứng khoán Trung Quốc đang cần được giải cứu

14:27 | 29/10/2018
Chia sẻ
Giống các công ty chứng khoán Mỹ, các công ty chứng khoán Trung Quốc đang phải đối mặt với doanh thu phí môi giới giảm do thị trường lao dốc trong cơn bán tháo. Không những thế, các công ty Trung Quốc còn có nhiệm vụ cao cả là giải cứu thị trường chứng khoán.
biet doi giai cuu chung khoan trung quoc dang can duoc giai cuu Nguy cơ bán giải chấp đẩy thị trường chứng khoán lao dốc, Trung Quốc lập kế hoạch hỗ trợ 100 tỉ NDT

Trong đợt giải cứu thị trường năm 2015, các công ty chứng khoán Trung Quốc – khi đó được gọi là biệt đội giải cứu quốc gia (national team) - được yêu cầu mua lại cổ phiếu trên thị trường mở. Lần này, các công ty chứng khoán được giao nhiệm vụ ngăn chặn tình huống bán giải chấp các cổ phiếu đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Nói cách khác, các công ty này đang phải dùng nguồn vốn của mình để cứu chính mình.

Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến dịch cắt giảm đòn bẩy (deleveraging) của chính phủ buộc các doanh nghiệp tư nhân, chủ các doanh nghiệp này và nhiều nhà đầu tư khác phải dùng cổ phiếu làm tài sản bảo đảm để vay tiền.

Thế nên 11 công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc (tất cả đều thuộc sở hữu nhà nước) đang thực hiện sáng kiến thành lập một quỹ giải cứu với giá trị lên tới 100 tỉ nhân dân tệ (tương đương 14,4 tỉ USD) để mua các cổ phiếu bị thế chấp và ngăn tình trạng bán thanh lý ồ ạt. Đa phần các cổ phiếu thế chấp đang được nắm giữ bởi chính các công ty chứng khoán này.

biet doi giai cuu chung khoan trung quoc dang can duoc giai cuu
Cổ phiếu của các công ty chứng khoán lớn nhất Trung Quốc (đường màu xanh) mất giá khá mạnh so với thị trường chung từ đầu năm tới nay. Nguồn: Bloomberg.

Biệt đội giải cứu lần này có phần khác với phiên bản năm 2015. Khi đó, các công ty chứng khoán và một số doanh nghiệp nhà lớn khác tập hợp lại với nhau để giải cứu thị trường đang bị bơm thổi bởi các khoản vay kí quĩ. Tâm điểm chú ý khi đó là các cổ phiếu bluechips niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, các nhà đầu tư cá nhân đã dùng tiền vay kí quỹ để ‘tất tay’ vào các cổ phiếu này.

Lần này, 11 công ty chứng khoán lớn của Trung Quốc lập một quỹ dự phòng trong đó 21 tỉ nhân dân tệ sẽ được dùng để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân đang thiếu thanh khoản và bị các ngân hàng lớn "xa lánh".

Tính chung toàn thị trường chứng khoán Trung Quốc, khoảng 11% giá trị vốn hóa thị trường đang được dùng làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thị trường ChiNext tại Thẩm Quyến (gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ) giá trị vốn hóa thị trường bị thế chấp lên tới 45%, theo số liệu của CLSA Ltd. Ngược lại, trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (gồm các công ty nhà nước lớn nhất), chỉ khoảng 2% được dùng làm tài sản thế chấp.

biet doi giai cuu chung khoan trung quoc dang can duoc giai cuu
Sàn giao dịch cổ phiếu ChiNext (gồm các công ty nhỏ) giảm điểm mạnh hơn so với các thị trường khác tại Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg.

Tuy nhiên cũng có những tin vui cho các công ty chứng khoán: Về lý thuyết, quỹ hỗ trợ mới thành lập sẽ mua cổ phiếu từ các công ty này theo giá sổ sách chứ không phải giá “bán tháo”, và đến một lúc nào đó, các ngân hàng và công ty bảo hiểm nhà nước cũng sẽ tham gia.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán đang cho vay ít hơn rất nhiều so với đầu năm nay, khi đó giá trị các khoản vay lên tới 240 tỉ USD. Nguyên nhân là vào tháng 3, chính quyền Trung Quốc đặt ra quy định số cổ phiếu của một công ty được dùng làm tài sản thế chấp không được vượt quá 60% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) của công ty đó. Hệ quả là, giá trị các khoản vay với cổ phiếu làm tài sản bảo đảm đã giảm 12% so với đỉnh hồi tháng 1, xuống còn 1.400 tỉ nhân dân tệ theo số liệu của Bloomberg Intelligence.

Tuy vậy, theo số liệu của CLSA, trong tháng 10 có ít nhất 63 công ty vượt qua giới hạn đỏ 60% kể trên, tăng đáng kể so với con số 47 hồi tháng 3.

biet doi giai cuu chung khoan trung quoc dang can duoc giai cuu
Số lượng vượt qua "ranh giới đỏ" 60% đã tăng từ 47 hồi tháng 3 lên 63 trong tháng 10. Nguồn: Bloomberg.

Các công ty chứng khoán không có nhiều sự lựa chọn. Từ tháng 3, các công ty này đã bị cấm bán giải chấp cổ phiếu được thế chấp bởi các cổ đông chi phối vì hành động này sẽ làm thay đổi sở hữu doanh nghiệp. Các hoạt động bán ra từ đó đến nay chỉ gồm cổ phiếu của các nhà đầu tư nhỏ, kém quan trọng.

Dù giá trị cổ phiếu thế chấp gần đây đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao. Haitong Securities Co., một trong 11 công ty chứng khoán được giao nhiệm vụ giải cứu thị trường, cũng là một trong những công ty đang chịu rủi ro lớn nhất, theo số liệu của chuyên gia phân tích Sharnie Wong thuộc Bloomberg Intelligence. Bà Wong ước tính nếu 10% giá trị các khoản vay có tài sản thế chấp là cổ phiếu của công ty này mất khả năng hoàn trả, thì 8,9% vốn của Haitong sẽ bị thổi bay.

Nhưng ít nhất thì các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn về nguồn vốn cũng có thể kỳ vọng tích cực sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định nhà nước sẽ là chỗ dựa “vững vàng”.

Quỹ hỗ trợ 100 tỉ nhân dân tệ sẽ có tác động lớn hơn đối với thị trường ChiNext với vốn hóa 1.800 tỉ NDT so với sàn Thượng Hải với vốn hóa lên tới 27.000 tỉ NDT. Chiến dịch giảm đòn bẩy doanh nghiệp của Trung Quốc hiện đang đi giật lùi khi chính phủ đã ba lần cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc kể từ tháng 4 và dự kiến sẽ còn tiếp tục cắt giảm trong tương lai. Ngân hàng trung ương nước này cũng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đội hình đầy đủ của biệt đội giải cứu thị trường cũng có thể sẽ được triệu tập một lần nữa.

Đến một lúc nào đó, đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ dừng. Nhưng với các công ty chứng khoán, sẽ còn nhiều ngày giông tố trước khi nắng ấm chiếu rọi trở lại.

Xem thêm

Kiên Dương