Biến tướng đất 'kim cương' trung tâm
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Trung tâm Hà Nội có 5 toà nhà quần thể có lối kiến trúc châu Âu đặc sắc, đó là: Bảo tàng Cách mạng ở Tông Đản, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà khách Bộ Quốc phòng và Bảo tàng Địa chất ở Phạm Ngũ Lão. Đây là khu kiến trúc châu Âu được đánh giá cao, có khả năng mở rộng thành quần thể du lịch hấp dẫn của Thủ đô.
Theo ghi nhận của PV, hiện đang có khoảng 7 ki-ốt kinh doanh các mặt hàng: bán quần áo, đại lý vé máy bay, quán phở… nằm ở vị trí mặt tiền tiếp giáp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Đại diện UBND phường Phan Chu Trinh cho biết, phường đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm tại các ki-ốt kể trên tuy nhiên do đất thuộc cơ quan nhà nước nên phải chờ các Bộ giải quyết, chính quyền địa phương rất khó xử lý.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Phương - Chánh văn phòng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, diện tích đất 2 mặt phố đang kinh doanh nói trên thuộc quỹ nhà, đất số 6 Phạm Ngũ Lão, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được thành phố Hà Nội giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam quản lý, sử dụng để làm trụ sở làm việc và được cấp giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong đó diện tích xây dựng là hơn 7.450 m2 các khu nhà hiện có và diện tích đất là gần 6.100 m2. Do thời điểm đầu tách ra còn nhiều khó khăn nên một số đơn vị đã mượn các gian nhà cấp 4 mặt đường Đặng Thái Thân, Phạm Ngũ Lão để làm trụ sở.
Theo ông Phương, hiện đang còn 5 đơn vị là Cty cổ phần Khoáng sản và Cơ khí, Cty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản, Cty cổ phần Khoáng sản 3, Cty phần vật tư mỏ địa chất, Cty cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội vẫn chưa bàn giao trả lại diện tích nhà đã mượn.
Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đề nghị các Cty trên nhanh chóng bàn giao. Tuy nhiên, khúc mắc hiện nay là do 5 đơn vị trên đã cổ phần hóa.
Một phần diện tích mượn được tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần, trong đó có đơn vị nhà nước đã thoái gần như hết vốn dẫn đến việc chỉ đạo khó có hiệu lực thi hành. “Vì thế, hàng chục năm rồi mà vẫn chưa giải quyết dứt điểm được việc này”, ông Phương nói.
Để xử lý dứt điểm tình trạng chiếm giữ đất, ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý giải quyết dứt điểm, trả lại khuôn viên trụ sở 6 Phạm Ngũ Lão cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản theo đúng quy định pháp luật.