|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Biện pháp xử lí dịch ASF của Trung Quốc không hiệu quả, lạm phát có thể vượt mục tiêu vào 2020

15:50 | 16/09/2019
Chia sẻ
Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, nỗ lực ngăn chặn dịch tả heo châu Phi (ASF) lây lan của chính phủ Trung Quốc không mang lại hiệu quả và điều đó có thể đẩy lạm phát tăng vượt mức mục tiêu lần đầu tiên trong gần một thập kỉ vào năm 2020.
100789687-120354313

Ảnh: AFP

Trong một lưu ý công bố ngày 12/9, nhà kinh tế học cao cấp Julian Evans-Pritchard, nhận định các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi bùng phát của Bắc Kinh sẽ chỉ có tác động ngoại biên, không đáng kể.

Được phát hiện vào năm ngoái, sự bùng phát của dịch tả heo châu Phi đã gây ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc khi nước này là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới và thịt heo cũng là một mặt hàng chủ lực, theo CNBC.

Tháng 7, các nhà phân tích của ngân hàng Rabobank dự đoán nguồn cung thịt heo của Trung Quốc đã giảm khoảng 40% so với cùng kì năm trước. Đồng thời, ước tính tổng đàn heo ở đất nước tỉ dân có thể giảm một nửa vào cuối năm 2019 so với cuối năm 2018.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã khiến giá thịt heo tăng vọt. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào tháng 8 giá thịt heo đã tăng 46,7% so với cùng kì năm ngoái.

Việc chính phủ Trung Quốc can thiệp để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả heo châu Phi và giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với giá thịt heo tăng cao đang tỏ ra không hiệu quả

nhà kinh tế Evans-Pritchard lưu ý.

"Do đó, lạm phát vào năm tới sẽ tăng cao hơn phạm vi mục tiêu của Bắc Kinh lần đầu tiên trong gần một thập kỉ qua".

Nhà kinh tế Evans-Pritchard dự đoán vào đầu năm 2020, giá thịt heo có thể tăng hơn 80% so với cùng kì năm trước.

Hệ quả này sẽ đè nặng lên chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc. Trong khi mục tiêu lạm phát trung bình hàng năm do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thiết lập là 3%, chỉ số có thể đạt giá trị trung bình khoảng 3,5% và đạt đỉnh 4% vào năm tới.

So với tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng 2,3% vào tháng 8 do giá thực phẩm leo thang. Được biết, đây là mức tăng lớn nhất trong 6 tháng qua.

Năm 2018, lạm phát cả năm tăng 2,1%, vẫn dưới mức mục tiêu 3% của Bắc Kinh.

Chính sách của Bắc Kinh sẽ "đổ sông đổ biển"

Tuần trước, Trung Quốc cho biết sẽ trợ cấp lên đến 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 700.000 USD) nhằm tăng sản lượng thịt heo.

Khoản tiền trợ cấp trên sẽ dành cho việc xây dựng loạt trang trại chăn nuôi heo qui mô lớn. Các nhà chức trách cho hay họ sẽ hỗ trợ những trang trại lớn cần di dời vì lí do môi trường và cải thiện cũng như mở rộng cơ sở xử lí chất thải.

"Chúng ta nên đảm bảo nguồn cung bằng mọi giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu cơ trên thị trường, tích cực thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thịt thay thế và tăng dự trữ thịt heo đông lạnh", Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Thủ tướng Hu Chunhua cho hay.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nỗ lực kiểm soát dịch tả heo châu Phi bùng phát của Trung Quốc sẽ không đem lại nhiều hiệu quả, mặc dù Bắc Kinh đã gia tăng công suất sản xuất trong trung hạn, Capital Economics nhận định.

"Gói trợ cấp nông dân và người tiêu dùng mới còn quá nhỏ để thay đổi bức tranh lớn. Còn chiến lược cấp đông thịt heo có thể triển khai mạnh mẽ nhưng sẽ nhanh chóng cạn kiệt vì lượng thịt heo này chỉ đủ dùng 3 - 4 ngày", ông Evans-Pritchard lưu ý.

"Và vì Trung Quốc sản xuất cũng như tiêu thụ hơn một nửa lượng thịt heo trên thế giới, họ không thể phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, tức là Bắc Kinh ít nhất phải nâng giá thịt heo trên khắp cả nước [để giải quyết vấn đề nguồn cung thịt heo]".

Thịt heo là sản phẩm thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc. Năm 2018, thịt heo chiếm khoảng 64% lượng thịt tiêu thụ ở thị trường tỉ dân.

Khả Nhân

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.