|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biên lợi nhuận cho vay ngân hàng tăng mạnh

07:35 | 11/12/2020
Chia sẻ
Lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động và tỉ lệ CASA ở mức cao giúp NIM ngân hàng tăng mạnh trong quí III. Tỉ lệ NIM được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao nhờ lãi suất huy động giảm sâu.
img_0264_fepy.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh Niên).

Biên lợi nhuận cho vay tăng mạnh trong quí III

Mặc dù chịu áp lực giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh nhưng tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao và tăng mạnh trong quí III.

Theo số liệu của FiinGroup, NIM của 19 ngân hàng niêm yết trong quí III tăng 0,097 điểm % so với quí II lên 0,89%. Đây là mức NIM theo quí cao nhất và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ quí I/2018 - giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.

130217918_1096144437498598_4647196294944073771_n.png

FiinGroup cho biết thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6% đã dẫn đến tăng NIM. Điều này cho thấy lãi suất cho vay không giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.

Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Ngân hàng Bản Việt) tăng lên 9,2%/năm từ mức 9%/năm trong quí II/2020, cho thấy tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong quí III.

Thực tế, biên lợi nhuận cho vay gia tăng mạnh tại hầu hết ngân hàng trong quí III, bao gồm cả các NHTM Nhà nước – nhóm chịu áp lực chính trong việc giảm lãi vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo số liệu của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), NIM quí III/2020 của VietinBank tăng 0,38 điểm % lên 3,02% do lợi suất tài sản tăng 0,04 điểm % và chi phí vốn giảm 0,04 điểm %. Tính chung 9 tháng đầu năm, NIM của VietinBank đạt 2,82%, thấp hơn mức 2,88% của năm 2019 nhưng cao hơn so với giai đoạn 2015 – 2018.

SSI Research cho biết NIM của VietinBank tăng trong quí III chủ yếu do lãi suất huy động bình quân giảm 0,5 điểm % so với quí trước. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA) tăng mạnh và lãi suất cho vay bắt đầu phục hồi là những yếu tố giúp NIM ngân hàng mở rộng.

129106096_186959863150110_5891595876625193705_n.png

Nguồn: SSI Research

Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại BIDV khi NIM quí III tăng 0,6 điểm % so với quí II lên 2,57%, tương đương cùng kì 2019.

Theo SSI Research, sự gia tăng về NIM của BIDV phản ánh mức chênh lệch tích cực giữa lợi suất cho vay và chi phí vốn. Cụ thể, lợi suất cho vay trung bình trong quí III/2020 là 8%, tăng 0,41 điểm % so với quí trước do gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 trị giá 20.000 tỉ đồng và 100 triệu USD dần hết hạn. Đồng thời, lợi suất cho vay trung bình cũng tăng do BIDV tập trung vào các khoản cho vay cá nhân và cho vay dài hạn.

Trong khi đó, lãi suất huy động của ngân hàng giảm thêm từ 0,55 – 0,9 điểm % và tỉ lệ CASA tăng lên 17,3% từ 15,8% của quí II/2020. Điều này khiến lợi suất huy động trung bình trong quí giảm 0,46 điểm % so với quí trước còn 4,78%.

Tại Techcombank, NIM ngân hàng này cũng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, đạt 4,8% - mức cao nhất kể từ năm 2016. Riêng quí III, NIM của ngân hàng tăng 1,27 điểm % so với quí trước lên 5,59%, nhờ lợi suất tài sản tăng 1,08 điểm và chi phí vốn giảm 0,19 điểm – Theo SSI Research.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, có được kết quả trên là nhờ thanh khoản dồi dào với tỉ lệ CASA ở mức cao nhất ngành ngân hàng giúp lãi suất huy động giảm mạnh hơn cho vay. Bên cạnh đó, Techcombank cũng có được thu nhập lãi từ một số khoản vay doanh nghiệp tái cấu trúc.

129281761_220970119549198_7732389352569357048_n.png

Lãi suất huy động và cho vay của Techcombank. (Nguồn: Báo cáo Techcombank).

9 tháng đầu năm, NIM của MB và VIB tăng lần lượt 0,11 và 0,12 điểm % so với cùng kì nhờ sự tăng tốc của tín dụng cá nhân tăng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn. 

Riêng quí III, NIM của MB và VIB tăng 0,31 điểm và 0,56 điểm khi là hai ngân hàng có dư nợ tín dụng cá nhân mở rộng mạnh nhất. Cụ thể, MB (tăng từ 1,1% cuối quí II/2020 lên 10,9% cuối quí III/2020) và VIB (tăng từ 8,2% cuối quí II/2020 lên 16,7% cuối quí III/2020).

NIM sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới?

Nói về sự gia tăng biên lợi nhuận cho vay của các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguyên chính đến từ tình trạng lãi suất huy động giảm mạnh trong khi lãi suất cho vay không giảm tương ứng.

Tuy nhiên ông Hiếu cũng lưu ý về ảnh hưởng của Thông tư 01 khi các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng chịu ảnh hưởng dịch COVID-19. Điều này khiến cho lợi nhuận và chi phí tín dụng của ngân hàng chưa được phản ánh sát với thực tế.

Về xu hướng sắp tới, giới phân tích đánh giá NIM của các ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao trong những quí sắp tới do lãi suất huy động tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, các gói cho vay lãi suất thấp bắt đầu hết hạn vào cuối năm nay cũng sẽ là yếu số giúp gia tăng lợi suất cho vay.

"Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần đáo hạn, trong khi đó chúng tôi nhận thấy lãi suất huy động đã được cắt giảm từ 0,2 – 0,4 điểm% trong tháng 10. NIM của ngành được kì vọng sẽ cải thiện trong những quí tới", SSI Research nhận định.

Mặc dù vậy, NIM được dự báo sẽ có sự phân hóa khi nhóm ngân hàng TMCP không có sở hữu Nhà nước có nhiều quyền quyết định hơn trong việc điều chỉnh lãi suất cả đầu vào, đầu ra và do đó duy trì và chủ động được biên lãi ròng NIM cho cả năm 2020 và cho năm 2021. Trong khi nhóm ngân hàng lớn phải thực hiện giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng nhiều hơn, do đó khả năng mở rộng NIM sẽ bị hạn chế.

129814319_2724300294475217_5216193837878092125_n (1).png

Quốc Thụy