|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Biến động tài sản của tỷ phú Việt trong năm 2023

07:46 | 03/01/2024
Chia sẻ
Kết thúc năm 2023, hầu hết tỷ phú Việt đều chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm ở mức hai con số.

Theo thống kê từ Forbes, hết năm 2023, Việt Nam có 6 tỷ phú.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup tiếp tục giữ vị thế là người giàu nhất Việt Nam với tài sản 4,3 tỷ USD. Con số này giảm so với mức đỉnh 7,3 tỷ USD vào năm 2021 và 6,2 tỷ USD trong năm 2022.

Tài sản của ông Vượng được Forbes ước tính chủ yếu dựa vào số cổ phiếu nắm giữ tại Vingroup. Trong khi đó với VinFast, do nhiều yếu tố, tạp chí này đã tính toán lại định giá và coi như thể công ty “chưa niêm yết”. Do đó, những biến động giá cổ phiếu VFS không được phản ánh vào tài sản định danh của ông Phạm Nhật Vượng.

Điều này trái ngược với bảng xếp hạng 500 tỷ phú của Bloomberg Billionaires Index. Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng là người duy nhất của Việt Nam đứng trong bảng xếp hạng với khối tài sản trị giá 10,6 tỷ USD.

Tờ báo này tính tài sản của ông Vượng dựa trên lượng cổ phiếu VFS mà ông nắm giữ.

Bloomberg cho biết phần lớn tài sản của ông Vượng được tính dựa theo cổ phần nắm giữ tại hai công ty là tập đoàn Vingroup và nhà sản xuất xe điện VinFast. Ông Vượng kiểm soát phần lớn cổ phần VinFast. Hồi tháng 8/2023, công ty bắt đầu giao dịch trên Nasdaq.

Theo tính toán của Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu 45% cổ phần VinFast trong thống kê tháng 12/2023, giúp ông tăng thêm khoảng 7 tỷ USD giá trị tài sản. Số cổ phiếu ông kiểm soát VinFast thông qua Vingroup được loại trừ để tránh tính hai lần.

Thời điểm VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng đã tăng mạnh, có thời điểm, giá trị tài sản của người giàu nhất Việt Nam vượt qua 40 tỷ USD, đưa ông lọt top 30 người giàu nhất hành tinh và xếp thứ 5 châu Á. Tuy nhiên, các bên đã thay đổi cách tính toán sau đó và giữ nguyên cho đến hết năm 2023.

Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, trong bảng xếp hạng của Forbes ghi nhận thêm các tỷ phú đô la gồm:

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Vietjet Air (2,2 tỷ USD); ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát (1,8 tỷ USD); ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Trường Hải Thaco (1,5 tỷ USD); ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank (1,4 tỷ USD); ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group (1,3 tỷ USD).

Hết năm, giá trị tài sản ròng của ông Long giảm mạnh nhất, từ mốc 3,2 tỷ USD trong năm 2022 xuống còn 1,8 tỷ USD, tương đương 44%. Ông chủ Hoà Phát sẽ không cảm thấy cô đơn vì hầu hết tỷ phú Việt đều chứng kiến giá trị tài sản ròng giảm mạnh, ở mức hai con số trong năm 2023 so với năm trước đó. 

 Nguồn: Forbes/Đồ hoạ: Thành Vũ.

Thứ hạng của những cái tên kể trên không có nhiều thay đổi ngoại trừ trường hợp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Hồi tháng 10/2023, do những biến động giá cổ phiếu MSN, có thời điểm ông Quang rời danh sách tỷ phú của Forbes.

Tính đến 31/12/2023, ông Quang trở lại bảng xếp hạng tỷ phú với 1,3 tỷ USD tài sản, giảm 32% so với năm trước đó. Ông Nguyễn Đăng Quang lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2019, cũng với khối tài sản tương tự.

Thành Vũ