BIDV vẫn thiếu vốn ngay cả khi đã phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
BIDV có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác từ 2020 - 2023
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu vốn ngay cả khi đã thực hiện thành công đợt phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài.
VCSC ước tính sau đợt phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank với tỉ lệ 15% (sau khi phát hành), chỉ số an toàn vốn tối thiểu CAR sẽ ở mức 11,3%, cho phép ngân hàng tăng tài sản sinh lãi thêm 13% trong 2 năm tới. Tuy nhiên, VCSC cho rằng để áp dụng Basel II, BIDV cần phải cắt giảm CAR xuống 150-200 điểm cơ bản nên thương vụ phát hành riêng lẻ này chỉ là cách giải quyết vấn đề tạm thời.
Ngoài ra, tỉ lệ đòn bẩy sau đợt huy động tiếp tục cao, lên đến 19,6 lần trong năm 2020, mức cao nhất trong số các ngân hàng Việt Nam. Vì vậy, VCSC dự báo ngân hàng sẽ tiếp tục phụ thuộc vào phát hành vốn cấp 2 và có thể sẽ phải thực hiện một đợt phát hành riêng lẻ khác trong giai đoạn 2020 - 2023.
Thanh lí hết trái phiếu VAMC trong năm 2019
VCSC cho biết tài sản tồn đọng liên quan đến việc chuyển nhượng trái phiếu VAMC dự kiến sẽ được BIDV xử lí xong trong năm 2019 sau 6 năm nỗ lực. Trong số 3 ngân hàng thương mại nhà nước đã niêm yết, BIDV là ngân hàng duy nhất vẫn nắm trái phiếu đặc biệt phát hành bởi VAMC.
Phần lớn trái phiếu VAMC kỳ hạn 5 năm được ngân hàng mua trong năm 2015 và sẽ đáo hạn năm 2020.
Trong 3 năm qua, BIDV đã liên tục nỗ lực xử lí số trái phiếu này và VCSC cho rằng 6,3 nghìn tỉ đồng còn lại sẽ được thanh lí thành công trong năm 2019.
Bảng dự báo kết quả kinh doanh của BIDV qua các năm
Nguồn: VCSC