|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo

08:51 | 16/03/2020
Chia sẻ
Được mệnh danh là địa điểm sầm uất nhất Hà Nội, tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào có mức thuê mặt bằng kinh doanh rất cao, thế nhưng, hiện nay giá thuê đã giảm 'chưa từng có' vì dịch bệnh.

Với vị trí đắc địa nối Bờ Hồ Hoàn Kiếm với chợ Đồng Xuân, các tuyến phố: Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường được mệnh danh là khu đất “kim cương” của Hà Nội.

Đây cũng là khu vực có mức giá thuê mặt bằng cao nhất tại Hà Nội. Cụ thể, giá thuê luôn dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/ m2/ tháng. Tính ra để sở hữu một ki-ốt khoảng 30m2, các hộ kinh doanh phải chi không dưới 60 triệu tháng. 

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào vắng vẻ người qua lại.

Thế nhưng, do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, việc kinh doanh luôn trong tình trạng ế ẩm, dẫn tới hiện tượng trả mặt bằng hàng loạt.

Để kích thích người thuê, nhiều chủ nhà trên các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, khu chợ Đồng Xuân đã "xuống nước", chấp nhận mức giảm giá thuê bình quân từ 10 - 30%.

Trao đổi với PV báo Dân trí, bà Lộc, một hộ kinh doanh thời trang trên phố Hàng Ngang cho biết, chưa bao giờ đường phố Hàng Ngang - Hàng Đào vắng vẻ như bây giờ. 

Du khách giảm, người dân hạn chế ra đường, nên cả ngày những cửa hàng kinh doanh như bà "không có nổi 1 khách".

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 2.

Số lượng hộ kinh doanh trả mặt bằng ngày càng tăng.

Cửa hàng của bà Lộc hiện có giá thuê 200 triệu đồng/ tháng với diện tích khoảng 180m2. Cách đây 1 tuần, chủ nhà đã đồng ý giảm xuống còn 150 triệu, tuy nhiên đây vẫn là mức giá quá cao so với tình hình kinh doanh ế ẩm và bết bát như hiện tại.

"Dù đã xoay sở đủ mọi phương án nhưng vẫn không khả thi, tôi buộc lòng phải đóng cửa, tìm điểm khác kinh doanh khác”, bà Lộc nói.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 3.

Mặt bằng 140 m2 tại 20A Hàng Ngang được chủ nhà chấp nhận mức thuê 150 triệu đồng/ tháng, nếu thuê ngắn hạn. Còn thuê trên 1 năm là 120 triệu đồng/ tháng và kèm theo cam kết tăng giá sau 3 năm.

Theo ghi nhận của PV, do nhiều cửa hàng đồng loạt trả mặt bằng nên số lượng ki-ốt trống, sang nhượng cửa hàng ở đây rất nhiều, mức thuê bình quân cũng đã giảm xuống còn 1 nửa so với trước đây, dao động ở mức 1 triệu đồng/ m2/ tháng, nếu thuê dài hạn, giá còn giảm nữa.

Cụ thể, mặt bằng 140 m2 tại 20A Hàng Ngang trước đây có giá khoảng 180 triệu thì giờ chủ nhà chấp nhận mức thuê 150 triệu đồng/ tháng, nếu thuê ngắn hạn. Còn thuê trên 1 năm là 120 triệu đồng/ tháng và kèm theo cam kết tăng giá sau 3 năm.

Thậm chí, trong tình cảnh ế ẩm, kinh doanh bết bát, nhiều chủ nhà ở các tuyến phố này đã đồng ý cho thuê ghép, thanh toán tiền nhà theo tháng, hoặc kinh doanh thêm các hạng mục như: nhà hàng, quán ăn, homestay thay vì chỉ đồng ý cho thuê kinh doanh đồ lưu niệm như trước kia.

"Trước đây chưa bao giờ cửa hàng nhà tôi trống chỗ, người có nhu cầu thường phải đặt chỗ, xếp hàng cả tháng, thậm chí cả năm. 

Tuy nhiên, gần 3 tuần nay tôi đã treo biển, giảm giá thấp nhất có thể nhưng vẫn... ế. Tình cảnh chưa từng bao giờ xảy ra", chủ một nhà cho thuê ở phố hàng Đào nói.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 4.

Hầu hết, các cửa hàng tại đây kinh doanh mặt hàng thời trang, quần áo và đồ lưu niệm. Đây cũng là tuyến phố có mức thuê mặt bằng cao nhất Hà Nội.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 5.

Các mặt bằng nhỏ, dạng ống, mặt tiền chưa tới 1 m, diện tích khoảng 20 - 35 m2, có mức giá bình quân 50 - 60 triệu đồng/ tháng.

Bị trả mặt bằng hàng loạt, chủ nhà 'đất vàng' phố cổ tung đủ chiêu câu kéo - Ảnh 6.

Cửa hàng trên phố Hàng Đường không giảm giá nếu thuê dài hạn. Mức giá chủ nhà đưa ra là 70 triệu đồng/ tháng nếu thuê 1 nửa tầng 1, thuê tất cả tầng 1 là 90 triệu đồng, thuê 2 tầng là 130 triệu đồng và thuê toàn bộ nhà (5 tầng) là 200 triệu đồng/ tháng.

Các chuyên gia BĐS dự báo, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phân khúc BĐS cho thuê, mặt bằng, cửa hàng sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn vì kén người thuê. Nếu bên cho thuê vẫn cương quyết áp dụng mức giá cũ thì rất khó tìm được người thuê phù hợp.

Vì vậy, nhiều chuyên giá khuyến cáo, để thu hút khách thuê, chủ nhà nên có biện pháp hỗ trợ giảm giá từ 10% đến 20% so với giá cuối năm 2019 hoặc linh hoạt cho thuê theo diện tích khách thuê mong muốn, thay vì bắt buộc thuê nguyên căn.

Đối với các nhà phố đang cho thuê, nhiều chủ nhà nên nhà chấp nhận miễn phí ít nhất 1 tháng thuê, hoặc giảm 30 - 50% cho khách hàng mới. Có thể kèm theo điều kiện tăng giá sau 1 thời gian.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trong trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý “nhất quyết không chịu thiệt” thì BĐS thương mại chỉ còn nước “chìm xuồng”.

“Nếu anh không giảm, thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê, thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. 

Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình”, ông Đính nói.

Việt Vũ

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.