Bi kịch của ‘Nữ phù thủy Phố Wall’ Hetty Green: Tài năng sánh ngang Warren Buffett nhưng bị ghét bỏ vì đi trước thời đại
Nhà đầu tư kiệt xuất
Hetty Green không phải cái tên được nhiều người nhắc đến, nhưng những nhà đầu tư hâm mộ Warren Buffett cũng nên biết đến câu chuyện của bà. Hàng chục năm trước khi nhà hiền triết xứ Omaha ra đời, bà đã kiếm được hàng triệu USD và cho đi những lời khuyên quý giá trên Phố Wall.
Khi “cha đẻ của đầu tư giá trị” Benjamin Graham - người thầy đáng kính của Buffett - mới học tiểu học, bà Green đã bỏ túi hàng triệu USD từ việc mua trái phiếu Nội chiến, cổ phiếu đường sắt và mỏ kim loại.
Là một người tiết kiệm và luôn có sẵn tiền trong tay, bà Green đã hào phóng cho các doanh nhân, nhà đầu tư và thậm chí là cả thành phố New York vay tiền trong lúc nguy cấp.
Bà gây dựng được gia sản lớn nhờ gắn bó với các quy tắc đầu tư mang tính kỷ luật mà các nhà đầu tư ngày nay noi theo. Tuy nhiên, bà Green lại thường được nhắc đến như một kẻ bần tiện, luôn mặc váy đen và đeo mạng che mặt trong những năm cuối đời. Người ta đặt cho bà những biệt danh không mấy hay ho như “kẻ keo kiệt nhất thế giới” và “Mụ phù thủy Phố Wall”.
Nhưng câu chuyện thực sự của Hetty Green phức tạp hơn nhiều. Nếu bà sống ở thời đại ngày nay, chắc chắn bà sẽ được so sánh với Warren Buffett và những nhà đầu tư vĩ đại khác.
Khi phụ nữ ở Mỹ còn chưa được quyền bầu cử, bà Green đã là nhân vật quyền thế trong các lĩnh vực mà nam giới thống trị. Bà có được sự nể trọng của những doanh nhân cỡ như ông John Pierpont Morgan, nhà sáng lập đế chế tài chính JPMorgan.
Bà Green thực sự quản lý tiền bạc rất chặt chẽ, nhưng khi dòng tiền trên Phố Wall lao dốc, các nhà đầu tư vẫn tìm gặp bà để có thêm vốn và lời khuyên của người phụ nữ thiên tài này.
Bà Green qua đời vào năm 1916. Khi đó, tờ New York Times viết rằng bà “được cho là người phụ nữ giàu nhất thế giới”, sở hữu khối tài sản 200 triệu USD, tương đương gần 6 tỷ USD ngày nay.
Câu chuyện thật về “Mụ phù thủy Phố Wall”
Henrietta (Hetty) Howland Robinson Green sinh năm 1834 tại thành phố New Bedford, bang Massachusetts. Là con gái của một gia đình sở hữu đội tàu săn cá voi lớn nhất thành phố, bà học về tài chính và thương mại từ khi còn rất nhỏ. Năm 13 tuổi, bà trở thành người giữ sổ sách của gia đình.
Sau khi theo học một ngôi trường nội trú nghiêm khắc, Hetty giúp cha trong việc kinh doanh ở New York sau khi ông bán công ty đánh bắt cá. Ở thành phố này, bà gặp gỡ và kết hôn với Edward Henry Green, đối tác thương mại của gia đình. Bà sinh được một trai một gái, đặt tên là Edward và Harriet.
Cha bà Green mất vào năm 1865, để lại cho con gái khoản thừa kế trị giá 5,9 triệu USD, tương đương khoảng 95 triệu USD theo tỷ giá ngày nay. Vấn đề là 5 triệu USD trong số đó bị giữ trong một quỹ tương hỗ và bà Green chỉ được hưởng thu nhập từ nó. Dẫu vậy, bà vẫn mua cổ phiếu với những gì mình có, nghiên cứu kỹ lưỡng doanh nghiệp để tìm ra các mã có “giá trị” tốt nhất trong thị trường.
Ông Charles Slack, người viết tiểu sử về bà Green, cho biết bà luôn tìm kiếm các “cổ phiếu bị định giá thấp” và không mấy bận tâm đến hướng đi tiếp theo của thị trường.
Chiến lược đầu tư của bà Green giống với những lời khuyên mà ông Graham đưa ra trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” nổi tiếng. Tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm doanh nghiệp chất lượng, tránh các cổ phiếu xu hướng được định giá quá cao - tất cả đều là các quy tắc của bà Hetty Green mà ông Graham nói kỹ hơn hàng chục năm sau đó.
Bà Green còn đi trước thời đại theo nhiều cách khác. Ví dụ, bà tránh sử dụng đòn bẩy khi đầu tư - giống như những gì Warren Buffett thường xuyên khuyên. Graham đã không tránh được cám dỗ này trong thập niên 1920, dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận quỹ của ông tụt dốc thê thảm trong thời kỳ Đại Khủng hoảng.
Nhưng điều công chúng và lịch sử nhớ đến nhất lại là tính cách gai góc của bà Green, chứ không phải những chiến lược đầu tư khôn ngoan trên.
Báo chí viết rằng bà sống trên một căn hộ đổ nát, mặc váy rẻ tiền cho đến khi các đường chỉ may bị đứt và tránh dùng nước nóng để tiết kiệm tiền. Ông Slack lưu ý: “Một trong những câu chuyện được nhắc lại nhiều nhất là con trai bà Green phải cắt chân vì bà quá tiếc tiền chữa trị”.
Nhưng ông Slack giải thích rằng câu chuyện này không phải là sự thật. Bà Green đã làm mọi thứ có thể để chữa trị chân của con trai mình, dù bà không tin bác sĩ. Bà cũng ghét giới luật sư, chính trị gia và nhà báo. Ông nói: “Bà ấy yêu quý con trai và đã thử rất nhiều liệu pháp điều trị".
Theo tờ Fortune, sự thực là bà Green thường xuyên thô lỗ, ngại tốn kém và cứng đầu, nhưng trên tất cả, bà vẫn là một người mẹ yêu thương con, một nhà đầu tư thông thái và nữ doanh nhân khôn ngoan, có tư duy đi trước thời đại hàng chục năm.
Nhưng vì sao bà chỉ được nhớ đến như kẻ keo kiệt nhất thế giới? Ông Slack trả lời: “Đàn ông những năm 1800 và 1900 thường được đánh giá trên hết bởi tài năng kinh doanh, sau đó mới đến tính cách. Còn bà Hetty là phụ nữ nên bị tập trung chú ý vào tính cách, trí tuệ tài chính của bà ấy bị xem nhẹ”.
Bà Hetty cũng tự nhận mình là người bị truyền thông đổ tiếng xấu. Bà nói với các phóng viên: “Tôi không phải người khắc nghiệt. Tuy nhiên, vì tôi không có một thư ký để thông báo cho thiên hạ mọi hành động tử tế mà tôi thực hiện nên tôi bị gọi là kẻ hà tiện và bủn xỉn”.