Bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ, Minh Phú khẳng định không làm sai qui định
Theo Seafoodsource, mới đây Cục Hải quan và Biên Phòng Mỹ (CBP) đã chính thức gửi thông báo chính thức về điều tra liệu rằng CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá bằng việc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sau đó xuất khẩu sang Mỹ hay không.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với người viết, đại diện của Minh Phú cho biết Cơ quan Hải quan Mỹ gửi thông báo điều tra vào ngày 14/1 và đang chuẩn bị đến công ty để kiểm tra thực hư thông tin cáo buộc trên.
Vị này khẳng định hoạt động nhập khẩu tôm của Minh Phú để chế biến hoàn toàn bình thường giống như những công ty khác và “Minh Phú không vi phạm cam kết thương mại”. Vị này cho biết Minh Phú nhập khẩu tôm từ Ấn Độ để chế biến sâu sau đó mới xuất khẩu sang Mỹ.
Để làm rõ thêm thông tin, người viết liên hệ với ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Nông sản (VASEP) ngay sáng 17/1. Tuy nhiên, ông Hòe cho hay chưa biết về thông tin điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ đối với tôm Minh Phú.
Mặc dù vậy, ông Hòe cũng khẳng định trước nay doanh nghiệp vẫn nhập khẩu tôm nguyên liệu về để chế biến, thêm giá trị gia tăng.
“Việc nhập là theo yêu cầu của khách hàng về kích cỡ tôm. Từ đó, doanh nghiệp chế biến thêm. Việt Nam từ trước đến nay vẫn được đánh giá là nước có năng lực chế biến tôm tốt”, ông Hòe nói.
Trước đó, hồi tháng 6/2019, tại buổi họp báo liên quan đến việc có đơn vị “tố” Minh Phú nhập khẩu tôm Ấn Độ sau đó chế biến không đáng kể và xuất khẩu sang Mỹ, Chủ tịch Minh Phú Lê Văn Quang cho biết không phủ nhận việc nhập khẩu tôm từ Ấn Độ với một tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng nguyên liệu để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp thiếu hụt tại Việt Nam, ổn định công việc và thu nhập cho người lao động tại từng thời điểm do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác.
Phía Minh Phú cho hay thống kê sơ bộ của họ cho thấy lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ khoảng 10% trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.
Lãnh đạo công ty lưu ý, không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào.
Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú sang thị trường Mỹ giảm tới gần 20% so với năm 2018 xuống còn gần 246 triệu USD. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn đứng đầu trong các thị trường tiêu thụ của công ty.
Minh Phú cho biết kết thúc năm 2019, kết quả hoạt động kinh doanh công ty không đạt được kế hoạch đề ra. So với cùng kì năm ngoái, sản lượng sản xuất đạt 59,548 tấn, giảm hơn 9%.
Doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm hơn 14%, sản lượng xuất khẩu 57,709, giảm gần 14,7%.
Thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Minh Phú trong năm nay. Đầu vụ 1 năm 2019 nguyên liệu tôm trong được khá dồi dào, tuy nhiên sang vụ 2 lượng tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh do thời tiết và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, làm tôm chậm lớn không đủ cung cấp cho các nhà máy.
Giá thành nguyên liệu tiếp tục tăng cao trong các tháng 8, 9, 10. Ngoài ra, năm 2019 nguồn tôm nguyên liệu nhập khẩu giảm mạnh, làm tình hình cạnh tranh nguyên liệu với các nhà máy cũng trở nên nghiêm trọng hơn, giá nguyên liệu trong nước tăng cao trong khi giá bán ko tăng tương ứng dẫn đến kết quả kinh doanh Minh Phú không đạt được kì vọng.
Về vùng nuôi, do tình hình mưa nhiều, nguồn tiền giải ngân khá chậm nên hoạt động xây dựng vùng nuôi công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn. Số lượng ao nuôi công nghệ cao ở MPLA chỉ đạt 57 ao, Kiên Giang 80 ao. Do số ao nhỏ được triển khai , nên năm nay Minh Phú chưa có nhiều nguyên liệu tôm cung cấp cho nhà máy, và chưa có lợi nhuận .