Bên lề Quốc hội: Cân nhắc yếu tố nhập khẩu lạm phát
Liên quan đến các chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 (Nghị quyết số 43) với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình triển khai chính sách này còn chậm, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với chính sách, cùng với đó một số chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn nên chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực này.
Cụ thể, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết số 43 phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bố trí nguồn vốn kịp thời chưa, quy định và quy trình giao vốn như thế nào, tiêu chí xác định đối tượng hỗ trợ ra sao…? Chỉ cần một khâu, công đoạn này chưa đáp ứng về tiến độ đã gây chậm chễ cho việc thực hiện chính sách nói chung.
Trong khi đó, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn, đặc biệt là nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài khi giá cả thị trường thế giới đang tăng cao. Lúc này, các cơ quan chức năng phải cân nhắc việc cung tiền ra thị trường ở mức độ và thời điểm phù hợp để không tạo hiệu ứng kích thích các yếu tố lạm phát tăng cao.
Phóng viên: Đại biểu có thể phân tích rõ hơn về áp lực từ nhập khẩu lạm phát đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Nguy cơ lạm phát trong nội tại nền kinh tế không lớn nhưng yếu tố lạm phát đến từ giá cả thị trường thế giới không ngừng gia tăng. Giá cả thị trường thế giới tăng cao khiến các yếu tố đầu vào nguyên, nhiên vật liệu tăng theo. Từ đó, tác động đến giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ và doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Điều này đặt ra bài toàn ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ trước ảnh hưởng của giá cả. Theo đó, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kiểm soát lạm phát, giá cả trong biên độ phù hợp để bảo đảm sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Đó là chưa kể, tác động của dịch COVID-19 rất lớn khi nhiều khoản nợ ngân hàng của doanh nghiệp trở thành nợ xấu, không đủ điều kiện vay vốn để tái khởi động sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển.
Phóng viên: Hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước là chính sách mới được triển khai theo tinh thần Nghị định số 43. Vậy, để chính sách này phát huy hiệu quả hỗ trợ cho các doanh nghiệp, theo đại biểu cần có giải pháp gì?
Đại biểu Trần Văn Lâm: Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ban hành vào thời điểm này hơi muộn nhưng hợp lý để ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Song để nguồn vốn ưu đãi sớm đến tay cộng đồng doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn sau đại dịch, cần phải cân nhắc các điều kiện áp dụng liên quan đến nợ xấu, doanh thu, lợi nhuận và tài sản bảo đảm của doanh nghiệp.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn tổ chức tín dụng về các điều kiện thực hiện chính sách cho đối tượng phù hợp, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi. Đồng thời, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để chính sách đi vào cuộc sống, từ đó tạo sinh lực thực tế cho nền kinh tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!