|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lo ngại kinh tế bỏ lỡ cơ hội phục hồi khi chậm giải ngân gói kích thích

15:35 | 01/06/2022
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể, làm rõ đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ.

Chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế xã hội. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt câu hỏi liệu chúng ta có đang lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội khi chậm giải ngân gói kích thích kinh tế.

"Nếu đang lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội thì cũng đồng nghĩa đang lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách", đại biểu nói đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể, làm rõ đang chậm ở đâu, vướng ở đâu và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc không đảm bảo tiến độ.

Trước đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh gói phục hồi kinh tế đang chậm so với tiến độ nếu đối chiếu với Nghị quyết 43. Bà bày tỏ lo ngại với tiến độ hiện tại, nhiều mục tiêu không thể thực hiện.

Đại diện đoàn Hà Nội cho rằng không có nhiều lý do để chậm triển khai gói này khi bối cảnh khách quan có nhiều điều kiện thuận lợi như dịch bệnh cơ bản được khống chế, nguồn lực cũng sẵn sàng, quy trình thủ tục được đơn giản hóa tới mức tối đa, thực hiện phân cấp đến mức tối đa.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói kích thích kinh tế, tránh lỡ nhịp tăng trưởng phục hồi và đúng với tính chất Kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Vấn đề về gói kích thích kinh tế cũng được đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề cập đến. Đại biểu cho biết đến nay, vốn đầu tư để thực hiện một số dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phân bổ và giải ngân còn chậm, có chương trình phân bổ còn thấp, nhiều khó khăn trong thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi kinh tế.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm phân bổ vốn đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để các địa phương triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh, cần phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.

Tại phiên họp mới đây của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,  Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, đã gần nửa năm 2022 tiến độ giải ngân gói phục hồi kinh tế còn chậm. Ông cho biết nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại, và "nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế". "Chuyển nguồn" là việc chuyển các khoản chi đã có trong dự toán năm trước nhưng không chi hết cho năm sau. Vì thế, ông đề nghị Chính phủ giải trình kỹ việc chậm điều hoà vốn này. 

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã  hội trong năm 2022-2023 với tổng quy mô lên tới 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP 2021. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), ước tính gói kích thích này sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

 

 

Trong báo cáo hồi đầu tháng 4, Dragon Capital cho rằng sau khi làn sóng COVID-19 qua đi, kinh tế Việt Nam có thể đạt 7% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

Trong khi đó hồi đầu năm,  CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra hai kịch bản tăng GDP sau khi tung gói kích thích. Theo đó kinh tế có thể tăng trưởng 6% ở kịch bản 1 và 6,6% ở kịch bản 2.

Còn Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021.

Anh Đào