Bế tắc bán đấu giá hơn 12.000 căn hộ tái định cư
Dù chủ trương bán đấu giá số nhà đất này được đưa ra từ mấy năm nay, nhưng chỉ mới 200 căn có chủ.
Nhà bỏ hoang, nhà xuống cấp
Giải pháp khả thi nhất hiện nay là nhà nước có thể chuyển số căn hộ TĐC này thành nhà ở xã hội để bán cho người dân thay vì đem bán đấu giá Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang |
Chiều 5/8, chúng tôi có mặt tại khu tái định cư (TĐC) 12.500 căn ở Thủ Thiêm (Q.2), chứng kiến cảnh từng dãy nhà cao tầng được xây dựng khá khang trang, hạ tầng bài bản nhưng không khí vắng lặng bao trùm. Chị Út bán đồ ăn và nước uống bên lề đường cho biết đã bán hàng ở đây được khoảng 4 năm, từ khi khu nhà còn đang trong quá trình xây dựng.
“Đó là thời gian ở đây nhộn nhịp nhất với hàng ngàn công nhân xây dựng, máy móc chạy suốt ngày đêm. Tôi cứ ngỡ xây xong, nơi đây sẽ tấp nập, sầm uất. Thế nhưng đã mấy năm nay không một bóng người, các tòa nhà cũng vì thế xuống cấp trầm trọng”, chị Út nói và chỉ một tốp thợ đang sửa sang lại tòa nhà vì xuống cấp.
“Người thì không có nhà ở, còn hàng ngàn căn hộ ở đây xây xong lại bỏ hoang, thật bất công và lãng phí”, chị Út chép miệng.
Cách đó không xa, một chốt bảo vệ được đặt tạm bợ ngay dưới tòa nhà. Hai người bảo vệ đang ngồi tán gẫu cho biết họ chỉ được thuê bảo vệ tòa nhà. “Nhà xây cũng đẹp, vị trí gần trung tâm TP mà bỏ hoang tiếc quá. Tôi đây đang phải đi ở thuê, có mơ đến một căn nhà như vậy cũng không dám”, ông Thắng, một trong 2 người bảo vệ, nói.
Khu TĐC Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) còn thảm hơn khi đã đưa vào vận hành khoảng 10 năm nay, tuy nhiên còn hàng trăm căn hộ vẫn chưa ai dọn về ở. Để tránh lãng phí, nhiều lần TP đưa ra phương án bán đấu giá nhưng bất thành vì dự án quá xa trung tâm, trong khi kết nối hạ tầng và chất lượng quá kém.
Anh Quang, một hộ dân đã dọn về đây được 6 năm, cho biết gia đình anh bị giải tỏa bởi dự án Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6) và được bồi thường 400 triệu đồng. Khi đó nhà nước có chính sách TĐC tại chỗ, nhưng số tiền mua căn hộ mới gấp gần 3 lần số tiền đền bù nên gia đình anh phải chuyển xuống khu Vĩnh Lộc B ở.
Điều khiến anh Quang bức xúc là hiện các tòa nhà đã bắt đầu xuống cấp trong khi ban quản lý không có, để mặc người dân tự “bơi”.
“Tòa nhà bị hư hệ thống xả thải, tôi đến văn phòng ban quản lý dự án, có 2 người làm việc ở đó, họ xuống ngó nghiêng rồi về. Không thấy ai xuống sửa, tôi phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng cùng với người dân tự sửa chữa vì sợ mấy đứa nhỏ lọt xuống thì nguy hiểm”, anh Quang cho hay.
Quy định đấu giá quá "gắt"
Từ tháng 2.2018, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM (thuộc Sở Tư pháp) đã được UBND TP cho đem đấu giá 3.790 căn hộ tại khu Thủ Thiêm với mức giá khởi điểm hơn 9.100 tỉ đồng nhưng không đơn vị nào tham gia.
Ế, nhưng khi tính chuyện đấu giá lần 2, mức giá được đề xuất tăng lên 9.900 tỉ đồng. Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm này, cho biết UBND TP vẫn chưa duyệt mức giá cuối cùng nhưng về cơ bản là mức giá đó.
Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm, nếu đơn vị trúng, trong vòng 1 tháng phải nộp 50% tổng giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.
Đến nay chỉ duy nhất 200 căn hộ TĐC thuộc chung cư TĐC Phú Mỹ (Q.7), với giá khởi điểm đưa ra là 167 tỉ đồng đã được 3 doanh nghiệp mua với số tiền 224 tỉ đồng.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, quy định tham gia đấu giá như vậy là rất “gắt”. Với số tiền đó nếu doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án thì áp lực nhẹ hơn, thong thả hơn khi có thể huy động từ khách hàng, vay ngân hàng, thanh toán chậm với các nhà thầu...
Do đó theo ông Quang, nên cân nhắc việc chẻ nhỏ các gói để số tiền phải ký quỹ, thanh toán phù hợp hơn mới hy vọng lần đấu giá tiếp theo có thể thành công.
“Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, giải pháp khả thi nhất hiện nay là nhà nước có thể chuyển số căn hộ TĐC này thành nhà ở xã hội để bán cho người dân thay vì đem bán đấu giá”, ông Quang đề xuất.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM, từng khẳng định sẽ hạn chế dùng tiền ngân sách để xây nhà ở TĐC. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu nhà TĐC của người dân bị giải tỏa và các dự án bất động sản, TP sẽ thương lượng để mua lại để đảm bảo TĐC tại chỗ cho người dân. Thế nhưng thực tế, bán đấu giá nhà TĐC vẫn đang bế tắc.