Bầu cử Tổng thống Mỹ và viễn cảnh u ám cho TPP
Việt Nam chờ đợi Mỹ, TPP về đâu? | |
Tại sao Obama cố gắng đến cùng với TPP? |
Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội Việt Nam sẽ không thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong kỳ họp lần này. Một trong những lý do được Chủ tịch Quốc hội đưa ra là cần phải xem xét tới ảnh hưởng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ tới TPP.
Đây có thể được xem là một động thái phù hợp khi kết quả cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ có khả năng sẽ tạo ra những bước ngoặt đáng kể trong tiến trình đi đến hoàn tất và chính thức có hiệu lực của TPP.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đến giờ chỉ còn hai ứng viên là ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Hai người này có thể bất đồng về rất nhiều vấn đề nhưng chung một quan điểm phản đối TPP. Lý do họ đưa ra đều bởi lo ngại ảnh hưởng của các hiệp định thương mại nói chung và TPP nói riêng đối với người lao động Mỹ.
Tháng trước, bà Hillary Clinton đã gửi đi thông điệp tới mọi công nhân Michigan và toàn nước Mỹ rằng sẽ ngừng bất cứ thỏa thuận thương mại nào có thể lấy đi việc làm của người Mỹ hay làm giảm lương, bao gồm cả TPP. Bà Hillary tuyên bố sẽ phản đối TPP, cho dù từng ủng hộ hiệp định này khi còn là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama.
Ông Trump thì gọi TPP là một thảm họa và tuyên bố rằng bầu cho bà Clinton cũng đồng nghĩa với việc chọn TPP. Ông Trump tin rằng bà Clinton sẽ ủng hộ TPP nếu đắc cử tổng thống và cũng bày tỏ lo ngại về việc TPP có thể lấy đi việc làm của người Mỹ. Học thuyết thương mại mà Trump theo đuổi là bất cứ hiệp định nào cũng phải làm tăng tăng trưởng GDP, giảm thâm hụt thương mại và củng cố sức mạnh cho khu vực sản xuất.
Sự phản đối của cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ khiến cho hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới đối mặt với nguy cơ sụp đổ, dù Tổng thống Mỹ Obama cam kết rằng sẽ tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, các lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc hội cho biết việc bỏ phiếu cho hiệp định thương mại này khó có thể diễn ra trong năm nay.
Ngay cả trong trường hợp Quốc hội Mỹ thông qua thì tổng thống tiếp theo cũng có cách để ngăn cản TPP chính thức có hiệu lực bằng một số biện pháp thủ tục. Ví dụ, họ có thể từ chối thông báo chính thức với các quốc gia khác rằng Mỹ đã hoàn tất việc phê chuẩn hiệp định của mình, hoặc không xác nhận rằng các quốc gia thành viên TPP khác đã đáp ứng các cam kết TPP.
Theo thỏa thuận chung, TPP không thể chính thức có hiệu lực chừng nào Mỹ và 11 thành viên khác chưa thông báo với New Zealand, quốc gia giám sát thỏa thuận, rằng đã hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý. Nếu ông Trump hay bà Clinton từ chối thực hiện các quy định giấy tờ này thì TPP sẽ không có hiệu lực không chỉ với Mỹ mà còn với tất cả 12 thành viên TPP.
Sau 2 năm, TPP có thể chính thức có hiệu lực khi có ít nhất 6 quốc gia hoàn thiện các quy trình pháp lý, miễn là họ đại diện cho 85% tổng GDP của tất cả các quốc gia thành viên - một quy trình biến Mỹ thành yếu tố quyết định bởi quy mô khổng lồ của nền kinh tế.
Dù vậy, những người ủng hộ thương mại tự do vẫn nuôi hy vọng rằng Clinton hay Trump có thể sẽ thay đổi quan điểm khi trở thành Tổng thống Mỹ. Nếu điều này xảy ra, vị tổng thống mới của Mỹ sẽ tiếp tục con đường ông Obama đã đi. Ông Obama trước đây đã cam kết sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi còn là ứng viên tổng thống nhưng khi trở thành tổng thống thì ủng hộ thương mại tự do và bắt đầu quá trình đàm phán mới với Liên minh châu Âu và các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Viện Peterson, TPP sẽ mang về cho nền kinh tế Mỹ từ 77 tỷ đến 123 tỷ USD trong năm đầu tiên nếu được Quốc hội Mỹ thông qua và chính thức có hiệu lực.