|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao Obama cố gắng đến cùng với TPP?

13:02 | 19/09/2016
Chia sẻ
Vị Tổng thống Mỹ đang tạo ra những nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua TPP trong những tháng còn lại ở Nhà Trắng. 

Jeffrey Rothfeder là cựu Tổng biên tập của tờ International Business Times và từng làm ở Bloomberg News. Ông cũng từng xuất bản nhiểu cuốn sách, gần đây nhất là “Driving Honda: Inside the World’s Most Innovative Car Company". Trên tờ The New Yorker, ông đã viết một bài quan điểm về việc Tại sao Obama nỗ lực đến cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP):

tai sao obama co gang den cung voi tpp
Tổng thống Obama tung ra loạt nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York cuối tuần vừa rồi, ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra một số kế hoạch kinh tế cho tương lai. Không ngạc nhiên, một trong số đó là xóa bỏ TPP, theo như ông này mô tả là một Hiệp định “kinh khủng” và thề rằng “sẽ giữ nước Mỹ đứng ngoài TPP”.

Trump không phải là chính trị gia duy nhất phản đối TPP. Bernie Sanders cũng ghét nó. Ứng viên từ Đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton từng ưa thích nhưng nay cũng quay ra phản đối. Ngay cả Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính và vốn là người ủng hộ tự do thương mại, cho rằng những lợi ích từ TPP mang lại cho nước Mỹ không xứng đáng với những công sức bỏ ra để đạt được thỏa thuận này.

Nhưng thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Obama đã thực hiện phát súng đầu tiên trong loạt nỗ lực chốt hạ cuối cùng nhằm thuyết phục Quốc hội thông qua TPP, thỏa thuận mà chính quyền Obama đã mất tới 5 năm đàm phán.

Tại Nhà Trắng, ông đã gặp gỡ một nhóm các doanh nhân, chính trị gia từ cả hai Đảng để tuyên bố những lợi ích mà Hiệp định mang lại, đồng thời vạch ra lộ trình chi tiết để lobby. Trong số những người tham dự có nhiều cái tên nổi tiếng như Thống đốc Ohio, ông John Kasich, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, Thống đốc bang Louisiana’s Governor John Bel Edwards.

Sự ác cảm đối với TPP đang dần trở thành một cú sốc quay chậm đối với giới kinh tế học. Bất chấp những chỉ trích về sự không hoàn hảo, nhiều người vẫn phải thừa nhận rằng TPP mang đến vô số lợi ích chưa từng có cho người lao động và môi trường kinh doanh. Mireya Solis, một nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách châu Á nói: “Tôi không biết làm thế nào mà người ta đi đến suy nghĩ TPP là một thứ bỏ đi. Đây là Hiệp định thương mại tiên tiến nhất, quyết liệt nhất, quan trọng nhất và mang lại lợi ích nhất trong hai thập kỷ”, bà nói.

Thông thường, tự do thương mại sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng. Có những bằng chứng cho thấy 17 thỏa thuận thương mại tự do đã tuân theo công thức này, theo nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia Third Way sau khi nghiên cứu thỏa thuận với một số nước như Australia, Panama, Singapore từ năm 2000. Theo đó, kể từ khi các Hiệp định đó đi vào thực thi, cán cân thương mại của Mỹ với mỗi nước nói trên tăng trưởng trung bình 1,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ như máy bay, máy móc, xe cô, thiết bị y tế… tăng trưởng trung bình 52% mỗi năm, còn nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn, khoảng 26%. Năm 2014, Mỹ thặng dư thương mại 30,9 tỷ USD với nhóm các nước nói trên, thay vì thâm hụt 2,8 tỷ USD trước khi các Hiệp định này ra đời. Phó Chủ tịch của Third Way, ông Gabe Horwitz cho biết ông và các cộng sự “kinh ngạc về kết quả nghiên cứu dù họ bắt đầu bị xao động bởi một số bài tuyên truyền phản đối thỏa thuận thương mại trước đó.

Nhiều quốc gia nằm trong thỏa thuận TPP đang áp đặt thuế lên hàng hóa Mỹ, khiến các sản phẩm nông nghiệp như phô mai, thịt gia cầm hoặc động cơ xe hơi, máy tính trở nên đắt đỏ hơn. Dù chưa thể dự đoán một cách chính xác ảnh hưởng của việc xóa bỏ hoặc giảm mạnh thuế đối với 18.000 mặt hàng trong thỏa thuận TPP, một báo cáo năm 2015 của hai nhà kinh tế học Peter A. Petri từ Trường Kinh tế Quốc tế Brandeis cùng Michael G. Plummer từ trường Đại học Johns Hopkins dự báo rằng Hiệp định này sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%. Chưa hết, họ dự báo rằng nước Mỹ sẽ có thêm 131 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,5% GP, chủ yếu nhờ lương trong ngành xuất khẩu sẽ tăng lên.

Còn về phía phản đối TPP, biện minh lớn nhất hiện nay là nó sẽ phá hủy nhiều việc làm của người Mỹ. Bằng chứng cho việc này là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada bị buộc tội làm hàng triệu người trong ngành sản xuất rơi vào cảnh thất nghiệp. Mặc dù vậy, nhiều nhóm nghiên cứu sau này, kể cả Vụ Khảo cứu Quốc Hội Mỹ cũng đã phải thừa nhận rằng Hiệp định nói trên thực ra ít có ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Tất nhiên, những lợi ích mà hiệp định tự do thương mại mang đến như thặng dư, thu nhập cải thiện…. chỉ là một phần nhỏ nếu so với toàn bộ nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD của Mỹ. Ngoài ra, khi Hiệp định mang đến nhiều kênh thương mại hơn cho nước Mỹ, nó cũng có tác dụng tương tự với các nước trong TPP. Hệ quả là những công việc trình độ thấp, ví dụ trong ngành sản xuất, có thể bị rơi về tay nước nào có lao động giá rẻ hơn. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề đã có từ lâu đối với những người thuộc tầng lớp lao động thấp ở Mỹ vốn bị đẩy ra khỏi guồng quay việc làm vì thiếu kỹ năng.

Đây hiển nhiên là một vấn đề lớn. Tuy nhiên nó vẫn tồn tại dù có hay không có Hiệp định thương mại. Đa số các nhà kinh tế học cho rằng 5 triệu người Mỹ mất việc làm trong ngành sản xuất kể từ năm 2000 là nạn nhân của quá trình toàn cầu hóa và hiện đại hóa, khiến các nhà sản xuất không còn cần đến họ nữa. Ngoài ra, một lưu ý quan trọng khác là nước Mỹ có thêm một triệu việc làm chất lượng cao, lương cao dưới thời Obama, một phần nhờ các hiệp định thương mại.

Việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan trong TPP đương nhiên sẽ mang đến lượng lớn hàng hóa nước ngoài cho người tiêu dùng Mỹ. Hơn 60% hàng hóa nhập khẩu là các bộ phận, chi tiết để làm ra sản phẩm. Một lượng lớn khác là mặt hàng quan trọng có thể ảnh hưởng đến những người tiêu dùng có ngân sách hạn hẹp. Ngành da giày Mỹ đã tính toán rằng dưới chính sách TPP, việc loại bỏ thuế nhập khẩu sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ cũng như các công ty 6 tỷ USD khi mua giày dép trong 10 năm. Dù giày dép giá rẻ nước ngoài tràn vào có thể đe dọa ngành sản xuất trong nước, việc người dân Mỹ tiết kiệm kha khá tiền khi mua sắm có thể bù đắp lại. Một phần lượng tiền tiết kiệm được sẽ lại đổ vào ngành sản xuất trong nước.

Một luận điểm nữa mà phe phản đối vẫn hay dùng là các thỏa thuận thương mại này không có tác động tích cực đến chất lượng lao động, cho phép các công ty đa quốc gia dịch chuyển đến các nước nơi người lao động phải chịu những điều kiện khắc nghiệt với đồng lương rẻ mạt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, “TPP có tiêu chuẩn lao động cao nhất hơn bất cứ thỏa thuận thương mại nào” như lời ông Horwitz từ Third Way đã nói. Trong đó, TPP có các điều khoản như quyền tổ chức công đoàn, quyền về mức lương tối thiểu, hạn chế lao động trẻ em. Khác với những thỏa thuận trước đây, TPP tạo ra môt quá trình mà các quốc gia thành viên chưa đạt tiêu chuẩn có thể bị phạt hoặc tước bỏ quyền lợi.

Trung Quốc từng được mời tham gia TPP nhưng từ chối. Việc nước này không phải là một thành viên thật ra lại khiến các thương thảo về vấn đề lao động và môi trường lại trở nên dễ dàng hơn một chút. Quan trọng hơn, Nhà Trắng xem TPP là một cơ hội quan trọng trong tái định vị chiến lược toàn cầu hướng tới vùng Thái Bình Dương, nơi đang có nhiều nền kinh tế vừa mới nổi. Bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này, TPP có thể trở thành một bức tường thành cho Mỹ trước cái bóng của Trung Quốc.

Thế mà quá trình này lại đang đặt trong tình thế nguy hiểm do cả hai ứng cử viên Tổng thống đều chống lại nó. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến trước một bước bằng cách tung ra thỏa thuận khác gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm cả một số thành viên TPP. Không ngạc nhiên, RCEP – vốn có thể trở thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, lại kém tham vọng hơn nhiều so với TPP. Mặc dù vậy, nó vẫn thỏa mãn phần nào mong muốn của các quốc gia thành viên là giảm bớt trở ngại thương mại. Hiệp định này cũng có thể làm giảm bớt vai trò của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Như bà Solis có nói: “Các quốc gia trong khu vực muốn Mỹ dẫn dắt, thế nhưng nếu nước Mỹ làm họ bối rối khi không làm theo những gì đã hứa, họ sẽ phải hướng về đâu đó khác. Và khi đó, vai trò của nước Mỹ sẽ không bao giờ còn được như trước đây”.

Vân Vũ

Theo The Newyorker