|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bất thường đấu giá bệnh viện 'trăm tỉ' ở Sài Gòn

03:10 | 16/08/2019
Chia sẻ
Dù giá thị trường khi chào bán bệnh viện hơn 800 tỉ đồng nhưng khi thi hành án đấu giá tài sản là bệnh viện để trả khoản nợ ngân hàng, người trúng đấu giá chỉ hơn 273 tỉ đồng. Chưa hết, khi kê biên tài sản thi hành án, chấp hành viên đã “bỏ quên” tài sản là 2 máy xạ trị chứa 2 nguồn phóng xạ cực kì nguy hiểm tại đây.

Lùm xùm đấu giá

Bệnh viện đa khoa Phú Thọ nằm trên đường Độc Lập, quận Tân Phú, TP HCM hoạt động hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, do có khoản vay và mất khả năng chi trả tại ngân hàng TMCP Phương Nam nên TAND TP HCM tuyên phía bệnh viện đa khoa Phú Thọ phải thanh toán cho ngân hàng Phương Nam hơn 192 tỉ đồng gồm tiền gốc và lãi.

Ngày 22/3/2019, Công ty đấu giá Hợp danh Miền Nam ở quận 5 đã bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất là bệnh viện sau khi Cục Thi hành án dân sự TP HCM phát mãi tài sản đảm bảo. 

Trước đó, năm 2014 đơn vị thẩm định giá là công ty E Xim, định giá khối tài sản bị thi hành án của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ là 450 tỉ đồng. Trong khi thực tế, các đối tác và đơn vị vào mua bệnh viện với giá hơn 800 tỉ đồng khiến tập thể bệnh viện bức xúc. 

Đó là chưa kể, kê biên lại thiếu sót phần tầng thượng của toà nhà gần 2000m2 nhưng vẫn đấu giá. 

Bất thường đấu giá bệnh viện 'trăm tỷ' ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Giá thị trường BV đa khoa Phú Thọ được cho hơn 800 tỉ nhưng định giá chỉ 450 tỉ và khi đấu giá thành chỉ còn hơn 273 tỉ đồng

Điều đáng nói, Công ty E Xim thẩm định giá tài sản bệnh viện từ năm 2014 và dùng kết quả thẩm định này để đấu giá thời điểm hiện tại là không đúng với chứng thư thẩm định. 

Theo chứng thư này giá thẩm định chỉ có hiệu lực trong thời gian 6 tháng với bất động sản. Vì vậy, kết quả phiên đấu giá diễn ra cuối tháng 3/2019 vừa qua, người trúng đấu giá khối tài sản là hơn 273 tỉ đồng khiến bệnh viện thiệt hại nghiêm trọng.

Thanh tra Chính phủ tiếp nhận đơn cầu cứu của BV đa khoa Phú Thọ về kê biên tài sản thiếu sót, đấu giá khuất tất và yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP HCM trả lời bệnh viện nhưng đến nay phía Cục này vẫn không lên tiếng.


Theo bà Trần Thị Thu Vân- giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ thì việc đấu giá có nhiều bất thường. 

“Công ty thẩm định giá E Xim thẩm định diện tích sàn hơn 2000m2, xây dựng 7 tầng, diện tích toàn khu hơn 8000m2 nhưng chỉ 450 tỉ đồng là bất hợp lý, bởi trong khi các đơn vị thẩm định khác và doanh nghiệp đòi mua bệnh viện hơn 800 tỉ đồng”- bà Vân cho biết và đặt nghi vấn có khuất tất giữa thẩm định và đơn vị đấu giá đã "đạo diễn" dìm giá tài sản khi mua.

Bất thường đấu giá bệnh viện 'trăm tỷ' ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Hai tài sản là hai máy thiết bị phóng xạ trị giá 29 tỉ đồng không được kê biên khi thẩm định đấu giá

Bức xúc vì đấu giá, bệnh viện này cầu cứu lên Bộ trưởng Tư Pháp. Tháng 5 vừa qua, Tổng Cục Thi hành án dân dự- Bộ Tư pháp đã yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP HCM kiểm tra, rà soát lại quá trình thi hành án, đặc biệt là việc kê biên tài sản, thẩm định giá và bán đấu giá. 

Tuy nhiên, theo đại diện bệnh viện đa khoa Phú Thọ đến nay, cơ quan này vẫn không thực hiện và vẫn tiến hành thi hành án. 

“Bỏ quên” 2 nguồn phóng xạ 29 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Bệnh viện Phú Thọ hiện đang có 2 máy xạ trị nhập từ Pháp và Hà Lan, tổng giá trị 29 tỉ đồng. 

Đây là 2 máy xạ trị có nguồn nguy hiểm cao độ, được Bộ trưởng Bộ KH&CN và Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp giấy phép cho bệnh viện để điều trị bệnh nhân ung thư. Giấy phép được cấp có quy định điều kiện sử dụng nguồn phóng xạ nguy hiểm hết sức nghiêm ngặt.

Bất thường đấu giá bệnh viện 'trăm tỷ' ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Lực lượng thi hành án có mặt tại bệnh viện để tiến hành cưỡng chế 2 thiết bị phóng xạ sáng nay 15/8- ảnh H.C

Tuy nhiên, trong kê biên tài sản thẩm định và đấu giá, cơ quan chức năng đã “bỏ quên” hai nguồn phóng xạ nguy hiểm cao độ này. “Đây là vật đồng bộ gắn liền với bệnh viện không thể tách rời, sự thiêú sót của Cục thi hành án TP HCM đã gây thiệt hại cho chúng tôi”- bà Vân nêu.

Ngày 29/7, Cục Thi hành an dân sự TP HCM đã có công văn đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ KH&CN hỗ trợ, phối hợp để có biện pháp bảo đảm an toàn cho việc di dời hai nguồn phóng xạ nguy hiểm tại bệnh viện Phú Thọ. 

Ngày 6/8/2019, Bộ KHCN và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có công văn đề nghị Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, ở tỉnh Lâm Đồng lập phương án tháo dỡ và đưa hai nguồn phóng xạ vào lưu trữ an toàn, đảm bảo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, những kiến nghị của lãnh đạo BV đa khoa Phú Thọ chưa được xem xét nhưng sáng nay, 15/8, lực lượng Thi hành án đã tiến hành thực hiện việc cưỡng chế hai nguồn phóng xạ này. 

Đại diện Bệnh viện đa khoa Phú Thọ nói họ lo ngại khi thi hành án 2 nguồn phòng xạ nguy hiểm cao độ khi số tài sản này không thể dịch chuyển một cách tuỳ tiện, nếu có sai sót phá vỡ niêm phong chì là hậu quả khôn lường.

Theo Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP HCM, sau khi làm việc đã thống nhất đưa các nguồn phóng xạ tới lưu trữ an toàn tại Viện nghiên cứu hạt nhân với sự phối hợp của Sở KH&CN TP HCM.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lương Kim Hoàng – Chuyên gia Quản lý chung về an toàn bức xạ của bệnh viện cho biết: “ Nhằm để đảm bảo an ninh phóng xạ thì Chính phủ Mỹ đã tài trợ cho các nước thông qua chương trình của Liên Hợp quốc về hệ thống giám sát nguồn bức xạ và Bệnh viện Phú Thọ là một trong những bệnh viện tư nhân được tiếp nhận chương trình này. 

Hệ thống này gồm có 1 camera để quan sát, hệ thống khóa và hệ thống báo động và được theo dõi toàn cầu để đảm bảo an ninh, an toàn của nguồn  phóng xạ này”.

Theo ông Hoàng, nếu như bệnh viện có bàn giao hệ thống xạ trị này cho ai thì bệnh viện vẫn phải làm thông báo gửi đến các cơ quan Nhà nước và Đại sứ quán của Mỹ và Liên Hợp quốc. 

"Nếu họ có đồng ý cho mình bàn giao cho bệnh việc khác hay họ thu hồi thì phải chờ quyết định từ họ, việc di dời hệ thống này không hề đơn giản ngày một ngày 2 làm được" ông Hoàng nhấn mạnh.

Lâm Trần

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.