Bất động sản Bình Dương trước cơ hội bứt phá
Bình Dương là trung tâm vùng
Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ, TP.HCM sẽ là đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Mở rộng hơn là phát triển TP.HCM thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và cả Đông Nam Á. Phát triển không gian vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra mối liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.
Phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.
Trong đó, Bình Dương được quy hoạch sẽ là tiểu vùng phía Bắc của TP.HCM với trục hành lang dọc Quốc lộ 13 và sẽ là tiểu vùng khu đô thị trung tâm của Thành phố.
Các thị xã, thành phố như TP. Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Tân Uyên sẽ có nhiệm vụ là phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ - tài chính gắn với đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm TP.HCM. Tăng cường phát triển các chức năng về y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao, nghiêm cứu, chuyển giao công nghệ và trung chuyển hàng hóa. Duy trì và bảo tồn cảnh quan dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp đô thị.
Các huyện Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên sẽ có nhiệm vụ bảo vệ sinh thái rừng và nguồn nước, góp phần cân bằng sinh thái cho TP.HCM. Ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành, chế biến nông lâm sản. Trung tâm dịch vụ - thương mại cấp vùng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.
Đặc biệt, trong quy hoạch này, Bộ Xây dựng cũng quy định hình thành hệ thống đô thị mới cho tỉnh Bình Dương gồm TP. Thủ Dầu Một là đô thị loại I, các đô thị như Thận An, Dĩ An là đô thị loại II, các đô thị còn lại là loại III. Tỉnh Bình Dương cũng sẽ là trung tâm cấp vùng về công nghiệp, thương mại, tài chính, đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao, du lịch, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về phía Bắc của vùng TP.HCM.
Thêm vào đó, Bình Dương cũng nằm trong quy hoạch phát triển du lịch vùng. Trong đó, TP.HCM là vùng du lịch trung tâm, quan trọng của miền Nam với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù, kết hợp du lịch sinh thái sông nước, biển đảo của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bình Dương sẽ nằm trong trung tâm du lịch trọng điểm, là tiểu vùng đô thị trung tâm. Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan làng nghề, vui chơi giải trí, di tích lịch sử văn hóa.
Ngoài ra, Bình Dương cũng sẽ là trung tâm đào tạo - giáo dục quốc tế với việc tỉnh này sẽ là đại bản doanh của các trường đại học quốc tế, xây dựng tại hai thị xã Dĩ An và TP. Thủ Dầu Một.
Đối với hạ tầng giao thông, Bình Dương sẽ được xây dựng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Bình Phước kéo dài tới cửa khẩu Hoa Lư, kết nối với Camphuchia. Ngoài ra, cũng sẽ xây dựng mạng lưới giao thông công cộng từ TP.HCM nối với Bình Dương bằng hệ thống tuyến đường sắt trên cao, xe bút nhanh…
Cơ hội bứt phá
Với quy hoạch trên, giới phân tích cho rằng, đã đủ đà cho thị trường bất động sản Bình Dương trở lại cuộc đua, nhất là khi thị trường này đã có tín hiệu hồi sing trong năm 2017 sau thời gian dài ngủ yên.
Ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư Phú Vinh cho biết, thị trường bất động sản Bình Dương thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, ngoài yếu tố quy hoạch và phát triển hạ tầng, cần phải kể đến đòn bẩy từ phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Những dự án bất động sản mới bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Bình Dương.
“Năm 2017, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhìn thấy hạn chế ở các khu đô thị, từ đó tìm ra chính sách để thu hút người dân về sinh sống, giúp nhiều dự án hồi sinh trở lại. Chẳng hạn, tại Thành phố mới Bình Dương, năm 2016 tới năm 2017, tỉnh và chủ đầu tư đã tiến hành thi công lại toàn bộ hạ tầng điện, nước, đến thông tin liên lạc; hệ thống chiếu sáng được ngầm hóa, trên các trục đường đều có hệ thống chiếu sáng; đầu tư xây dựng lại công viên trung tâm Thành phố mới với quy mô 75 ha; các dự án bất động sản tại đâynhư Khu đô thị vườn Tokyu, Khu biệt thự cao cấp Gold Land… đều bố trí cây xanh, vườn hoa, khu thể thao để phục vụ cho từng nhóm cư dân sinh sống”, ông Chánh nói.
Cũng theo ông Chánh, một điểm đáng chú ý nữa mà lãnh đạo tỉnh đã nhìn nhận được là muốn thu hút người dân về sinh sống phải đầu tư xây dựng hạ tầng giáo dục. Chính vì vậy, hệ thống trường học đã được quan tâm đầu tư, như trường Ngô Thời Nhiệm, trường Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế Singapore, Trường đại học Quốc tế Miền Đông...
Ngoài ra, Thành phố mới đã có Bệnh viện Vạn Phúc và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng như Khách sạn Becamex, các nhà hàng Nhật, siêu thị mini…, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh đang đầu tư xây dựng khu quy hoạch các bệnh viện tại phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một, cách Thành phố mới Bình Dương khoảng 5 km…
Bên cạnh đó, Bình Dương còn giảm thuế, hỗ trợ giấy phép kinh doanh, hỗ trợ thủ tục hành chính cho người dân về sinh sống tại thành phố mới.
Với những chính sách mới, thị trường bất động sản Bình Dương đã trở lại trong năm 2017 sau thời gian dài ngủ yên. Ngoài những dự án đã hoàn thành thu hút người dân về sinh sống, trong năm 2017, đã có những dự án mới được hình thành.
Cụ thể, tháng 7/2017, Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh đã giới thiệu ra thị trường Dự án Khu đô thị Mega City quy mô 50 ha nằm trên đường đường Hùng Vương, trung tâm thị xã Bến Cát. Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) cũng cho biết, đang đầu tư dự án Khu dân cư TDC Hòa Lợi (thị xã Bến Cát) và Khu dân cư xã Lai Hưng (huyện Bàu Bàng). Hai dự án này quy mô không lớn, nhưng đang được khá nhiều khách hàng quan tâm. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thuận Lợi cũng giới thiệu Dự án Khu đô thị thương mại An Điền quy mô 10 ha tại Bến Cát...
Ngoài những tên tuổi quen thuộc của thị trường Bình Dương như trên, trong năm qua, thị trường này cũng đón nhận các tên tuổi lớn của thị trường bất động sản TP.HCM chuyển hướng về đây đầu tư. Chẳng hạn, Him Lam Land đầu tư chuỗi dự án Him Lam Phú Đông tại thị xã Dĩ An với hai dòng sản phẩm là nhà phố và chung cư, hay SamLand triển khai dự án chung cư với hơn 1.000 căn hộ mang tên Samsora Riverside…
Một tín hiệu mới cho thị trường bất động sản Bình Dương năm 2018, đó là việc TP.HCM sẽ bắt tay cùng Bình Dương tiến hành xây dựng tuyến Quốc lộ 13. Tuyến đường này dược cho là điểm nghẽn cho liên kết vùng của 2 địa phương. Bên cạnh đó, việc TP.HCM quyết định kéo dài tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiến tới thẳng tỉnh Bình Dương, cũng đem xem sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản Bình Dương bứt phá trong thời gian tới.