|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Báo Hồng Kông: Việt Nam - con rồng đang lên

00:00 | 25/10/2017
Chia sẻ
Tờ FinanceAsia có trụ sở tại Hồng Kông mới đây đăng tải bài viết “Việt Nam: một con rồng đang lên”, trong đó nhấn mạnh rằng Việt Nam đang được giới nhà đầu tư quan tâm trở lại sau thương vụ IPO kỷ lục của Vincom Retail.
bao hong kong viet nam con rong dang len

Theo tác giả bài viết, sức hấp dẫn của việc đầu tư vào một đất nước đang nỗ lực chuyển mình là một điều rất khó cưỡng.

Thực tế cho thấy Việt Nam đang trong quá trình tăng tốc nhờ sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế mạnh (6,4% trong 9 tháng đầu năm 2017), quy mô dân số trẻ (55% người dưới 34 tuổi), thu nhập bình quân đầu người đang gia tăng (khoảng 2.200 USD/năm), và chỉ số niềm tin tiêu dùng cao (đứng thứ năm trên thế giới theo khảo sát của Nielsen).

Tuy nhiên, tờ báo vẫn tỏ ra nghi ngại về rủi ro như nhiều lần trước đây. Liệu các nhà đầu tư có lâm vào tình cảnh tương tự thêm một lần nữa?

Ngày ấy…

Giữa thập niên 2000, Việt Nam được coi là con rồng cuối cùng còn lại của châu Á, trỗi dậy sau nhiều thập kỷ so với Trung Quốc và các nền kinh tế thần kỳ như Hàn Quốc và Đài Loan.

Cách đây một thập kỷ, Việt Nam dường như choáng ngợp trước dòng vốn ồ ạt khi các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng của thị trường này. Chỉ số VN Index tăng gần bốn lần trong vòng một năm, đạt đỉnh trên 1.100 điểm vào tháng 2/2007. Nhưng đúng hai năm sau, vào tháng 2/2009, chỉ số này tụt xuống đáy 245,15 điểm.

… bây giờ

VN Index hiện đang dần trở lại mức kỷ lục của 10 năm trước, đạt 827,72 điểm vào ngày 17/10/2017. Với mức tăng 25,67% trong vòng một năm, Việt Nam bỏ xa các nước trong khu vực và ngay cả các thị trường phát triển thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Một trong những lý do cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là sự kỳ vọng Việt Nam có thể được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi như trường hợp của Pakistan tháng 5 năm nay.

Theo Rehan Anwer, giám đốc điều hành và phụ trách mảng thị trường mới nổi của Credit Suisse, Việt Nam rõ ràng là nước hưởng lợi nhất từ sự kỳ vọng này, nhất là khi nền kinh tế này trở thành lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên.

Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý đầu tư PXP Asset Management có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn “chín muồi” hơn rất nhiều nhờ đà tăng kể từ năm 2012.

Điểm khác biệt cơ bản giữa thị trường của năm 2017 so với 10 năm trước đây đó là sự định giá thị trường. Nếu như trước kia chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam quanh mức 40 lần thì nay là 15 lần, tương đương với các thị trường Đông Nam Á khác, trong khi kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn.

Giờ đây thị trường Việt Nam cũng hấp thụ vốn dễ dàng hơn nhờ quy mô lớn hơn và thanh khoản tốt hơn nhiều. Nếu đầu năm 2007 chỉ có hơn 100 công ty niêm yết, thì số doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn giao dịch chính và sàn UPCoM hiện nay đã vượt 1.300.

Với giá trị giao dịch đạt trung bình 180 triệu USD/phiên trong suốt một năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt mặt Philippines (một trong ba nước có thị trường chứng khoán phát triển nhanh gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines hay còn gọi là nhóm TIP). Mức vốn hóa thị trường vào khoảng 124 tỷ USD, trong đó Sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 3/4.

Kỳ vọng tạo đột phá từ thương vụ kỷ lục

Vào năm 2007, thị trường lao dốc không lâu sau khi Vietcombank (VCB) tiến hành vụ IPO lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam, thu về 656 triệu USD. Thị trường không hy vọng lịch sử buồn sẽ lặp lại sau khi Vincom Retail phá kỷ lục đó với thương vụ IPO kỷ lục với giá trị khoảng 680 triệu USD, khởi động hôm 16/10.

Barry Weisblatt, trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI), cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 641 triệu USD cổ phiếu của các công ty niêm yết và khoảng 819 triệu USD vào trái phiếu chính phủ trong 9 tháng đầu năm nay.

“Chúng tôi đã có kết quả khả quan trong những tháng vừa qua cũng như vài năm gần đây, nhưng thị trường chưa bao giờ tăng đều như bây giờ”, Weisblatt nói, đồng thời cho biết dòng vốn đang đổ từ Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, và châu Âu.

Theo Marshall Stocker, người phụ trách mảng thị trường cận biên và mới nổi của Eaton Vance có trụ sở ở Boston - một trong những quỹ quản lý đầu tư hoạt động tích cực ở Việt Nam, thị trường này là lựa chọn hàng đầu của ông trong suốt bốn năm qua.

Stocker cho biết Việt Nam hấp dẫn ở cả năm lĩnh vực mà công ty này chú trọng. Đó là tính pháp quyền ngày càng được đề cao (thể hiện qua chiến dịch chống tham nhũng), chính sách tiền tệ lành mạnh (đạt tiến bộ trong chống đô la hóa ), tự do thương mại (đã ký và đang đàm phán 18 hiệp định thương mại tự do), môi trường pháp lý thuận lợi (thành lập VAMC và xử lý nợ xấu), và quyết tâm của Chính phủ (cam kết tự thúc đẩy nền kinh tế thị trường và duy trì nợ công ở mức 65%).

Nhà đầu tư này nhấn mạnh hiện có rất nhiều công ty quản lý quỹ lục tìm ở các thị trường cận biên một “viên ngọc chưa được phát lộ” như thị trường như Việt Nam.

Vô địch về thu hút FDI

Việt Nam hơn hẳn các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nền kinh tế này đã thu hút 19,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, so với mức 15,5 tỷ USD của Indonesia, 4,6 tỷ USD của Thái Lan và 3,6 tỷ USD của Philippines. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 23,4 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.

Gần nửa số vốn FDI vào Việt Nam được đầu tư vào lĩnh vực chế biến và chế tạo sau khi nhiều “ông lớn” sản xuất hàng điện tử chuyển nhà máy từ Trung Quốc về đây để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Trong số này phải kể đến Samsung Display, họ đã cam kết đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay.

Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 86% GDP, cao hơn nhiều so với mức 10% vào năm 1986 khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới. Không tính Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn gặp trở ngại sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, Việt Nam đã ký và đang trong quá trình đàm phán tổng cộng 18 hiệp định thương mại tự do.

“Ở một số khu vực thành thị, GDP bình quân đầu người đã vượt trên 5.000 USD/năm nhờ đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng”, cựu giám đốc quốc gia Bang Trinh của Morgan Stanley cho biết. Mức này cao hơn nhiều so với ngưỡng 3.000 USD được coi là nền kinh tế tăng tốc.

bao hong kong viet nam con rong dang len
Trước nhà hàng McDonald's ở TP.HCM.

Nở rộ các quỹ đầu tư tư nhân

Một trong những dấu hiệu khác cho thấy một quốc gia hoặc một ngành trở thành tâm điểm thu hút đầu tư là các chuyên gia tài chính của Morgan Stanley và Goldman Sachs vươn tầm hoạt động đến quốc gia đó. Hiện ông Bang Trinh tham gia một quỹ đầu tư tư nhân mang tên Rivendell Partners vào hồi tháng 7. Quỹ này tập trung vào thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Nở rộ các quỹ đầu tư tư nhân

Mục tiêu ngắn hạn của ông là làm cho vốn đầu tư sinh sôi nhanh chóng.

Chuyên gia này cho biết, có rất nhiều vốn tìm kiếm các cơ hội và rủi ro xuất hiện khi mức an toàn trong đầu tư bị thu hẹp. Tuy nhiên, các thương vụ đang được cơ cấu theo hướng giảm thiểu tổn thất hơn những năm trước, bao gồm đề ra tỷ lệ lợi tức tối thiểu hay thu hẹp phạm vi đầu tư.

Cùng quan điểm trên, Terence Ting, cựu chuyên gia phụ trách đầu tư tư nhân khu vực châu Á và Ấn Độ của Goldman Sachs, cũng thành lập công ty quản lý quỹ tư nhân hoạt động ở thị trường Trung Quốc và Việt Nam mang tên Valence Capital Asia. Ông tin rằng Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố để có thể phát triển kỳ diệu như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

Ông cho rằng, người Việt Nam có chung nền tảng Khổng Tử. “Họ là một dân tộc có tinh thần kinh doanh, có sự đồng nhất về sắc tộc, sử dụng chung một ngôn ngữ và hệ tư tưởng”.

Một số người còn cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn Trung Quốc cách đây 20 năm bởi nước này hiện nay cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài, và chỉ phải chịu ảnh hưởng của kinh tế tập trung trong vòng một thế hệ thay vì ba thế hệ ở Trung Quốc.

Một số khác như Terry Mahony, Phó chủ tịch VinaCapital, lại mong muốn Việt Nam có khả năng hoạch định dài hạn như Trung Quốc đã từng làm với các tài nguyên và cơ sở hạ tầng.

Lo ngại về năng suất lao động suy giảm

Lợi thế về dân số của Việt Nam có thể suy giảm trong thập kỷ tới, khiến Chính phủ phải tái cơ cấu lại khu vực công trước khi nó kéo lùi nền kinh tế.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải lo ngại rằng Việt Nam vẫn chú trọng vào lao động giá rẻ trong khi các nước khác đang tập trung cho cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục để tạo ra lực lượng lao động thành thạo về công nghệ hơn.

Ông Hải cho rằng năng suất lao động đang có xu hướng giảm. “Do Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất, cần có hành động cấp thiết để cải thiện năng suất và duy trì tăng trưởng để làm sao đất nước có thể tạo ra đủ vốn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà đất nước đang cần”.

bao hong kong viet nam con rong dang len Triển vọng từ Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam - EU

Ngày 25/10, Hội thảo quốc tế "Nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh thực hiện hiệp định thương mại ...

Linh Phạm