|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bao giờ 5 tuyến cao tốc của VEC hoàn thành thu phí không dừng?

20:40 | 18/02/2020
Chia sẻ
Sở hữu 34 trạm với 242 làn, chiếm 30% tổng số làn phải triển khai thu phí tự động không dừng nhưng hiện VEC mới triển khai lắp đặt được 15 làn.
Bao giờ 5 tuyến cao tốc của VEC hoàn thành thu phí không dừng? - Ảnh 1.

Việc thực hiện thu phí tự động không dừng của VEC đang chậm so với yêu cầu (Ảnh minh họa)

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý 5 tuyến cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP HCM - Trung Lương.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại 5 tuyến cao tốc này lên đến 34 trạm/242 làn, được thực hiện theo phương án VEC tự đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm (Frond - end), kết nối trung tâm dữ liệu (Back - end) của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC.

Tuy nhiên, việc thực hiện thu phí tự động không dừng của VEC đang chậm so với yêu cầu, đến nay mới chỉ có 15/40 làn thuộc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành lắp đặt thiết bị, đang đàm phán hợp đồng dịch vụ với Công ty VETC.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, với 5 dự án, số làn thu phí không dừng VEC phải thực hiện chiếm 30% tổng số làn của tất cả các trạm trong cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai của VEC khá chậm.

Thậm chí, hiện nhà đầu tư BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành lắp thiết bị, chạy thử nghiệm chỉ chờ kết nối liên thông với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình của VEC, nhưng VEC vẫn chưa xong.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng vụ đối tác công - tư, hiện Bộ GTVT đang quản lý 77 trạm thu phí chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 là 26 trạm trên QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, sau đó bổ sung thêm 18 trạm, nâng tổng số trạm giai đoạn 1 lên 44 trạm. Đến nay, giai đoạn 1 đã có 39 trạm thực hiện thu phí tự động không dừng. Giai đoạn 2 có 33 trạm, hiện đã đấu thầu lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ.

“Đối với các trạm trên cao tốc, hiện VEC mới triển khai lắp đặt được 15 làn trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và chưa kết nối được hệ thống của VETC”, ông Thành cho biết.

Giải thích về lý do chậm triển khai, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết, hiện VEC đã lắp đặt thử nghiệm 15 làn trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo ông Tám, muốn đưa 15 làn này vào vận hành thương mại, giữa VEC và VETC phải ký hợp đồng chính thức thì VETC mới được thu tiền.

Tuy nhiên, muốn ký được hợp đồng, phải xác định được tỷ lệ trích phí tổ chức thu giữa hai bên. Thêm nữa, phải phê duyệt được dự toán và có quyết định chỉ định thầu cho VETC. Bên cạnh đó, theo quy định quyết định 07 của Thủ tướng, nội dung hợp đồng phải được chấp thuận của cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Tám, đối với các dự án còn lại, VEC cũng đã được cơ quan chức năng chấp thuận hình thức thuê thiết bị Frond - end và Back - end của VETC. Tuy nhiên, phần thiết bị Frond - end theo tính toán thời gian thuê trong vòng 5 năm chi phí mất khoảng trên 2.200 tỷ đồng.

Trong đó, chi phí thuê Frond - end mất gần 1.000 tỷ đồng và thuê Back - end theo tỷ lệ trích doanh thu 2,7% trên 870 tỷ đồng. Số còn lại VEC chi cho thu phí thủ công. Trong phương án tài chính của VEC được phê duyệt, chi phí tổ chức thu của VEC chỉ được trên 1.300 tỷ đồng. Vì thế, phương án tài chính cần được phê duyệt lại để có cơ sở pháp lý thực hiện.

Có thể ký hợp đồng dịch vụ trong thời gian 6 tháng

Theo Thông báo kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai thu phí tự động không dừng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT có báo cáo toàn bộ việc triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc trước ngày 31/3; phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020; trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để triển khai đầu tư, vận hành hệ thống và rà soát sửa đổi, bổ sung Quyết định 07/2017 của Thủ tướng.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc đối với việc chuyển các trạm thu phí của các dự án đường cao tốc do VEC quản lý sang thực hiện theo hình thức điện tử không dừng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Tổng giám đốc VETC cho biết, hiện mới có 12/44 trạm đã ký được phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ. Các trạm còn lại chưa ký được hợp đồng có nguyên nhân chủ yếu là chưa đồng ý với mức trích doanh thu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.

“Cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quyết định chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí và tỷ lệ trích doanh thu cụ thể đối với 5 tuyến cao tốc của VEC; quyết định điều chỉnh tỷ lệ trích doanh thu đối với 3 trạm thu phí trạm của nhà đầu tư VIDIFI và điều chỉnh phương án tài chính của dự án BOT như: Bổ sung chi phí giám sát, hậu kiểm và chi phí thu phí không dừng.

Ban hành các quy định về tổ chức làn thuần thu phí không dừng tại các trạm thu phí. Đồng thời, có chế tài xử lý quyết liệt đối với các nhà đầu tư BOT có thái độ chống đối, chây ì thu phí không dừng”, ông Dưỡng kiến nghị.

Để tháo gỡ, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, tương tự như cách VIDIFI đã triển khai, VEC có thể ký hợp đồng dịch vụ với VETC trong thời gian 6 tháng theo tỷ lệ trích doanh thu là 2,7%, sẽ không tăng chi phí theo tinh thần Quyết định 07/2017 của Thủ tướng. Trước mắt, VEC có thể căn cứ vào Quyết định 136 của bộ GTVT để triển khai.

“VEC nên thuê tư vấn đánh giá phương án thuê thiết bị rẻ hay đầu tư và kết nối rẻ hơn để lựa chọn thực hiện. Đây là thẩm quyền của VEC hoàn toàn có quyền quyết định. Tổng cục Đường bộ đã dự thảo sửa đổi Quyết định 07/2017, trong đó sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc lớn, dự kiến đến tháng 6 này sẽ ban hành, tạo thuận tiện cho triển khai thu phí không dừng trong cả nước”, ông Huyện nói.

VEC không thể "một mình một cõi"

Phát biểu tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án của VEC do Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thu phí không dừng đã triển khai từ lâu, thể hiện ở Quyết định 07/2017 của Thủ tướng, cả nước đã triển khai, kể cả nhà đầu tư tư nhân, VEC không thể "một mình một cõi".

"Nhà đầu tư giai đoạn 2 tháo gỡ xong thủ tục thành lập doanh nghiệp, đến tháng 6 hoàn thành 33 trạm thì VEC chỉ lẻ loi một mình. Nếu cả 5 dự án không cho thu phí thì VEC lấy tiền đâu trả nợ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khẳng định VEC phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi ý, hoặc VEC tự đầu tư và kết nối với VETC hoặc đấu thầu độc lập lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ và kết nối. Phương án nào thuận lợi và tốt nhất thì triển khai, nhưng phải đảm bảo tiến độ và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.