Bảo dưỡng nhà máy định kỳ, Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến lợi nhuận năm 2024 giảm 76%
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) vừa công bố về kế hoạch kinh doanh năm 2024 tạm thời với mục tiêu sản xuất được hơn 5,27 triệu tấn sản phẩm các loại và tiêu thụ được hơn 5,66 triệu tấn thành phẩm.
Tổng doanh thu hợp nhất kỳ vọng đạt 95.274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ và nộp ngân sách nhà nước hơn 10.597 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 3%, tương ứng tổng số tiền cần chi trên 930 tỷ.
Năm nay, công ty dự chi 1.298 tỷ đồng để đầu tư, trong đó hơn 994 tỷ đồng là đầu tư xây dựng cơ bản và hơn 303 tỷ đồng còn lại là mua sắm trang thiết bị, tài sản cố định. Công ty dự định sử dụng 90% vốn tự có và còn lại là huy động từ bên ngoài.
BSR thường có xu hướng đặt mục tiêu kinh doanh ở mức thấp vào đầu năm, sau đó tùy vào tình hình kinh doanh sẽ thay đổi vào gần cuối năm.
Mới đây nhất, BSR đã thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu tổng doanh thu sẽ tăng từ 95.645 tỷ ban đầu lên 145.102 tỷ đồng, tức tăng thêm gấp rưỡi quy mô. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần sau điều chỉnh lên 4.868 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 60% ở mức 15.703 tỷ đồng.
Kế hoạch chia cổ tức cho năm 2023 cũng tăng từ tỷ lệ 3% lên 7% (700 đồng/cp), tương ứng với số tiền dự chi khoảng 2.170 tỷ đồng.
Hiện tại, BSR mới chỉ công bố tổng doanh thu năm 2023 với ước đạt gần 146.500 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. Sản lượng sản xuất hơn 7,35 triệu tấn sản phẩm (vượt 31% kế hoạch), cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại.
Như vậy, kế hoạch kinh doanh tạm thời năm 2024 của BSR giảm 35% về doanh thu so với ước tính năm 2023 và thấp nhất kể từ năm 2021. Sản lượng sản xuất giảm 28% so với năm ngoái.
Còn nếu so với kế hoạch kinh doanh 2023 vừa điều chỉnh, mục tiêu năm nay của BSR giảm 34% về doanh thu và giảm hơn 76% về mặt lợi nhuận. Đây cũng là mục tiêu thấp nhất kể từ năm 2022.
Năm nay, BSR dự định tập trung nguồn lực để thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sự kiện này dự kiến diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2024.
Trước đó, BSR đã 4 lần thực hiện bảo dưỡng định kỳ nhà máy, lần lượt vào các năm 2011 (60 ngày), 2014 (54 ngày), 2017 (52 ngày) và 2020 (51 ngày). Thời gian thực hiện bảo dưỡng ngày càng được rút ngắn và lần 5 này, BSR cùng các nhà thầu phấn đấu tiến độ dưới 50 ngày.
Sau lần bảo dưỡng TA5 này, nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ nâng thời gian giữa các kỳ bảo dưỡng tổng thể là 4 năm - đồng bộ với dự án nâng cấp và mở rộng đang được triển khai.
Trong năm nay, BSR sẽ tiếp tục chủ động trong công tác mua dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp cho vận hành nhà máy. Bên cạnh đó công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, chế biến thử nghiệm các loại nguyên liệu mới để mở rộng giỏ dầu thô/cấu tử trung gian cho nhà máy,...
Ngoài ra, công ty sẽ hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt công tác quyết toán cổ phần hóa trong năm nay.