|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Báo cáo Thủ tướng việc phá bỏ biệt thự cổ trạm phát sóng Bạch Mai

10:20 | 19/12/2019
Chia sẻ
Đài Tiếng nói Việt Nam vừa có công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét bảo tồn ngôi biệt thự cổ (Nhóm 2) thuộc trạm phát sóng Bạch Mai tại số 10 Đại La (quận Hai Bà Trưng). Công văn này được gửi đồng thời tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo.
avatar_1576717308923

Ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 128C Đại La từng là Trạm Phát sóng Bạch Mai.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ vừa ký công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc phối hợp bảo tồn di tích lịch sử Trạm phát sóng Bạch Mai. 

Công văn nêu rõ: Ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 10 ngõ 128C Đại La, Hà Nội được Pháp xây dựng năm 1912 làm Đài Phát tín Bạch Mai, phục vụ liên lạc giữa chính quyền thực dân ở Hà Nội với cả nước, toàn Đông Dương và Paris - Thủ đô nước Pháp. 

Bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, Trạm phát tín này đưa Việt Nam trở thành biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất châu Á với kỹ thuật truyền tín hiện đại từ đầu thể kỷ 20.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trạm vô tuyến điện này được chỉnh quyền cách mạng sử dụng làm trạm phát sóng phát thanh cho Đài Phát thanh Quốc gia (Trạm Phát sóng Bạch Mai). 

Tại đây, vào hồi 11h30, ngày 7/9/1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc qua làn sóng điện Đài tiếng nói Việt Nam đến với đồng bào, chiến sỹ cả nước và nhân dân thế giới, đánh dấu một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Đây cũng là nơi vào tối ngày 19/12/1946, Bản tin đặc biệt của Đài tiếng nói Việt Nam đã được phát sóng, truyền đi mật lệnh Toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Báo cáo Thủ tướng việc phá bỏ biệt thự cổ trạm phát sóng Bạch Mai - Ảnh 2.

Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của Thành phố Hà Nội, ngôi biệt thự cổ tại địa chỉ số 10 ngõ 128C Đại La và một số công trình thuộc Trạm Phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Theo Quy hoạch mở rộng đường vành đai 2 của Thành phố Hà Nội, ngôi biệt thự cổ nêu trên và một số công trình thuộc Trạm Phát sóng Bạch Mai sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. 

Đài tiếng nói Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong đó có hoạt động chỉnh trang, phát triển hệ thống giao thông đô thị nhằm từng bước giải quyết ùn tắc giao thông đang rất trầm trọng hiện nay.

Tuy nhiên, với một công trình kiến trúc mang dấu ấn lịch sử quốc gia như Trạm Phát sóng Bạch Mai, Đài tiếng nói Việt Nam đề nghị UBND Thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện một số phương án bảo tồn như ý kiến của một số chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, giữ lại tòa nhà tại vị trí hiện tại, hoặc di chuyển tòa nhà sang một vị trí khác, hoặc giữ lại một phần của tòa nhà, chỉnh trang thành địa chỉ lịch sử về trạm phát sóng Bạch Mai.

Tại công văn này, Đài tiếng nói Việt Nam mong muốn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tìm được phương án phù hợp để vừa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đường trên cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, vừa bảo tồn, lưu giữ được Trạm Phát sóng Bạch Mai, một công trình kiến trúc lịch sử đặc biệt cho thế hệ mai sau.

Theo tìm hiểu của PV, trong danh mục nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” thì ngôi biệt thự cổ số 10 ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm thuộc Nhóm 2. 

Vì vậy, theo quy định biệt thự cổ Nhóm 2 cần được bảo tồn theo nguyên tắc phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự về mật độ xây dựng, số tầng cao, độ cao không được phá bỏ.

Liên quan đến căn biệt thự số 10 ngõ 128C Đại La, trả lời báo chí, ông Đinh Đức Hiếu - phó chủ tịch UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, phường đang tổng hợp ý kiến phản ánh từ người dân, cộng đồng để báo cáo UBND quận, UBND thành phố xem xét. Theo kế hoạch thì căn biệt thự này sẽ bị phá dỡ trước ngày 31/12.


Ninh Phan

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.