|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bánh vẽ tiền ảo sẽ không còn 'ngoài vòng pháp luật'

14:50 | 13/12/2016
Chia sẻ
Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.

Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đang thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12-2017.

Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.

Không thể né tránh

Tiền ảo đang trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới với 670 loại trên toàn cầu, ví dụ như Bitcoin. Giao dịch sử dụng tiền thật để mua bán tiền ảo, tài sản ảo ngày càng nhiều với giá trị lên tới hàng tỉ USD. Chỉ riêng bitcoin - một loại tiền ảo phổ biến hiện nay, giá trị vốn hóa thị trường đã lên tới khoảng 10 tỉ USD.

Tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, các loại tiền ảo như như Bitcoin, Onecoin, Ilcoin, Gemcoin, Octa… không được công nhận và không cho phép sử dụng như một phương tiện thanh toán hợp pháp. Thế nhưng hàng loạt đồng tiền ảo cùng với mô hình kinh doanh kiểu đa cấp tiền ảo vẫn hoạt động tại nhiều tỉnh, thành, kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc và diễn biến rất phức tạp.

Những câu chuyện đau buồn xung quanh sàn tiền ảo ở Việt Nam không phải là hiếm. Gần đây nhất, hàng trăm hộ dân ở Gia Lai điêu đứng khi sàn giao dịch tiền ảo Bitcoin đột ngột ngừng giao dịch, hàng chục tỉ đồng của người dân nguy cơ mất trắng.

“Đáng tiếc là Việt Nam lại đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí. Cùng với đó còn có nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ” - đề án trên nêu rõ.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, nhận định: “Tiền điện tử đang tồn tại hiện hữu trước mặt chúng ta, do vậy không thể né tránh. Do vậy hiện nay NHNN nước đang soạn thảo nghị định về tiền điện tử…”.

banh ve tien ao se khong con ngoai vong phap luat
Việc sử dụng tiền ảo tại Việt Nam không được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ trên thế giới chấp nhận khách hàng dùng tiền ảo Bitcoin để thanh toán (Ảnh: TL)

Nên có lộ trình

Nhận định về đề án trên, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam cần có khuôn khổ pháp lý nhằm đưa đồng tiền ảo vào tầm kiểm soát. Đây là giải pháp hợp lý. Vì số lượng giao dịch qua tiền ảo ngày càng tăng lên trên các thị trường tài chính quốc tế và được nhiều ngân hàng quốc tế chấp nhận. Bên cạnh đó, phạm vi giao dịch của tiền ảo sẽ chiếm một vai trò không nhỏ trong việc mở rộng giao dịch bằng thương mại điện tử và thanh toán qua mạng trên thế giới”.

Ông Doanh cũng đánh giá việc xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo là xu thế mà Việt Nam sớm muộn cũng phải thực hiện. Nếu không chấp nhận hình thức thanh toán này thì Việt Nam sẽ đứng ngoài lề và nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa so với thế giới trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, ông Doanh lưu ý bước đầu chỉ nên chấp thuận sử dụng đồng tiền điện tử trong một phạm vi nhất định, sau đó dần mở rộng ra. Song song đó cần chuẩn bị về mặt kỹ thuật, tăng cường an ninh mạng, quản lý các giao dịch về tiền ảo và phải đào tạo các chuyên gia về lĩnh vực này.

Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng cho rằng nếu không kiểm soát tiền ảo cũng không được. Nếu thực sự có công cụ kiểm soát tốt để không có những giao dịch trái pháp luật, không có những tổ chức hoạt động dạng như đa cấp để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia thì quá tốt.

“Vấn đề là biện pháp chế tài là gì? Ai chịu trách nhiệm giám sát các giao dịch tiền ảo? Bởi bản chất của tiền ảo chính là một phương tiện thanh toán. Đặc biệt là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt này ngày càng phát triển” - ông Minh đặt vấn đề.

Cũng theo ông Minh, cần có giải pháp để hình thức thanh toán trên không bị biến tướng; hạn chế tối đa rủi ro cho người dân trước những lời dụ dỗ kiểu “hôm nay mua một đồng tiền ảo, ngủ vài đêm thức dậy sẽ trở thành tỉ phú”.

Một số ý kiến khác nhìn nhận rằng hiện nay Chính phủ chưa cấp phép cho hoạt động này nên không kiểm soát được. Nay muốn kiểm soát, quản lý thì việc đầu tiên là phải công nhận các loại hình giao dịch tiền ảo. Ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng chưa nên công nhận tiền ảo bởi có nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức của người dân về tiền ảo chưa phải là tốt và pháp lý còn nhiều kẽ hở. Tức là cần phải có lộ trình chứ không công nhận “cái rụp”.

Sử dụng tiền ảo mua hoa, bánh kẹo

Những sản phẩm có thể mua được bằng tiền ảo Bitcoin ngày càng đa dạng, từ bánh kẹp, hoa cho tới đĩa nhạc…Tuy nhiên, tiền ảo chỉ được công nhận ở một số nước tiên tiến phát triển còn đa số các nước đang phát triển vẫn chưa công nhận.

Một trong những lý do là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tội phạm công nghệ cao tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn. Hơn nữa, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào đồng tiền này ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến nhà đầu tư có thể bị trắng tay.

NHNN từng có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Nhiều nước đã có khung pháp lý tiền ảo

Theo dự thảo đề án của Chính phủ, mục tiêu của đề án là xây dựng đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo ở Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.

Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo.

Thùy Linh