Bàn việc bán vốn SCIC tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ
Theo văn bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ vấn đề bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2016 của Chính phủ.
Chiều 14/9, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính cho biết, SCIC sẽ bắt đầu thực hiện thoái vốn Nhà nước khỏi Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (Mã: VNM) ngay trong năm nay. Việc thoái vốn có thể một phần hoặc toàn bộ để đảm bảo lợi ích nhà nước đạt cao nhất.
Ngoài ra với 9 doanh nghiệp còn lại sẽ lên kế hoạch bán vốn nhà nước trong năm nay hoặc năm sau.
Danh sách các doanh nghiệp SCIC bán vốn được công bố vào tháng 5 vừa qua có 120 doanh nghiệp. Trong đó SCIC sẽ bán vốn tại 2/10 doanh nghiệp lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là CTCP FPT và CTCP XNK Sa Giang. Còn lại 8 doanh nghiệp lớn không nằm trong danh sách gồm Tổng CTCP Bảo Minh, Công ty Viễn thông FPT, Công ty Hạ tầng và BĐS Việt Nam – VIID, Vinamilk, Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong, CTCP Nhựa Bình Minh.
6 tháng đầu năm 2016, SCIC đã bán hết vốn tại 44 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 11 doanh nghiệp. Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 900 doanh nghiệp trong đó bán hết vốn tại 821 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 79 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn là 5.724 tỷ đồng và thu về 14.109 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giá vốn.