Bản tin thị trường gạo tuần 49: Hàn Quốc muốn nhập khẩu hơn 25.000 tấn gạo, giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm
Bản tin thị trường gạo tuần 48: Xuất khẩu gạo Việt khởi sắc tại một số thị trường quốc tế, ngoại trừ Trung Quốc |
Cụ thể, theo các thương nhân châu Âu, tập đoàn thương mại Agro-Fisheries & Food, thuộc sở hữu nhà nước Hàn Quốc, đã phát hành một phiên đấu thầu quốc tế để mua tổng cộng 25.222 tấn gạo thường, với thời gian giao hàng là tháng 2/2019.
Nguồn tin cho biết thêm thời hạn đăng kí nộp hồ sơ là ngày 11/12.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính vụ mùa 2018 - 2019 tại Hàn Quốc đạt 3,86 triệu tấn, thấp hơn mức 3,97 triệu tấn trong giai đoạn 2017 - 2018 và là sản lượng thấp nhất trong hơn một thập kỉ qua.
Trên thị trường xuất khẩu gạo tuần qua, giá gạo xuất khẩu tại ba quốc gia xuất khẩu chính, gồm Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ đồng loạt giảm trong tuần qua. Trong đó, giá gạo 5% tại Thái Lan giảm còn 390 - 393 USD (FOB), từ mức 380 - 397 USD vào tuần trước.
Giới thương nhân Thái Lan nhận định sự biến động của giá gạo xuất khẩu trong tuần này là do tỉ giá hối đoái. Đồng baht đã giảm hơn 0,25% trong ngày thứ Năm (6/12), sau khi tăng trong 4 phiên trước đó.
Tại Ấn Độ, giá gạo 5% tấm giảm từ 366 - 370 USD của tuần trước xuống còn khoảng 364 - 368 USD/tấn trong tuần vừa rồi, vì đồng rupee suy yếu và nhu cầu chậm.
Ảnh minh họa. |
Tương tự, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng ghi nhận giảm, với giá gạo 5% tấm đã giảm còn 400 USD/tấn từ mức 408 USD trong tuần trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc phải trải qua các cuộc kiểm tra và điều kiện chặt chẽ hơn đối với gạo Việt Nam.
“Xuất khẩu sang Trung Quốc hầu như bị đóng băng, không ai dám mua hoặc bán. Một số người có gạo sẵn tại các kho chứa ở cảng hiện phải mang trở về vì lo ngại phía Trung Quốc sẽ không chuyển hàng đi”, một thương nhân ở TP HCM cho biết.
Về phía thị trường Trung Quốc, theo ghi nhận, Campuchia hiện được phép xuất khẩu 300.000 tấn gạo sang thị trường lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần sự phối hợp giữa các đối tác địa phương liên quan, ông Song Saran, Giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu gạo Amru Rice, nhận định.
Vì vậy, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia hôm 4/12 đã kêu gọi lập kế hoạch và đàm phán giữa tất cả các bên tham gia trong ngành để đáp ứng hạn ngạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo của Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất áp thuế quan đối với gạo từ Campuchia và Myanmar vào ngày 4/12 để ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu được cho là đang gây thiệt hại cho các nhà sản xuất châu Âu.
Các biện pháp tự vệ được đề xuất sẽ áp dụng trong ba năm, với mức thuế 175 euro/tấn (tương đương 198,84 USD/tấn) trong năm đầu tiên, sau đó giảm xuống còn 150 euro trong năm thứ hai và 125 euro trong năm thứ ba, theo những người quen thuộc với kế hoạch.
Campuchia và Myanmar đã được hưởng lợi từ chương trình "Miễn thuế mọi thứ trừ vũ khí" của EU, cho phép các quốc gia đang phát triển xuất khẩu hầu hết hàng hóa sang khối liên minh với thuế suất 0%.