|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Băn khoăn về tỷ lệ 75% kinh phí công đoàn cho cơ sở, 25% cho công đoàn cấp trên

16:00 | 18/06/2024
Chia sẻ
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75%.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo) sáng 18/6, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc sử dụng và phân phối kinh phí công đoàn.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng được cho phép hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ phải trả tiền cho chi phí này chứ không phải doanh nghiệp.

Về bản chất, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn là để phục vụ cho việc chăm lo lại người lao động, để tái sản xuất sức lao động, bù đắp lại hao phí sức lao động của người lao động mà người sử dụng lao động doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương.

Đồng tình với mức thu trên song một số đại biểu đề nghị làm rõ việc đóng góp, quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn 2% tại đơn vị không có công đoàn cơ sở; việc bảo vệ quyền lợi người lao động của công đoàn cấp trên trực tiếp đối với người lao động tại đơn vị không có công đoàn cơ sở.

Không nên quy định cứng 75% - 25%

Với việc phân phối kinh phí công đoàn, một số đại biểu chưa tán thành với tỷ lệ cứng 25% do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng và công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% như Dự thảo mà nên quy định tối đa, tối thiểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

 

Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng nhấn mạnh, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Trong đó, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động.

Đại biểu đề nghị, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như Dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”. 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, quy định chưa làm rõ trong trường hợp này, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất không quy định cứng công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% và công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%.

"Nên quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25% để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn", đại biểu Thông nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

 

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thì đề nghị nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính Công đoàn, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí.

Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn. 

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đại biểu cho rằng Nhà nước cần thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (bao gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện; thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn như Dự thảo Luật.

Trước đó, Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng hiện chiếm 57 - 64% tổng nguồn thu của hệ thống công đoàn, đoàn phí do người lao động đóng 25 - 27%, nguồn thu khác 11 - 16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.

Trong giai đoạn 2013 - 2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính.

Hạ An