Băn khoăn quy định mới về bồi thường thiệt hại hợp đồng
Ngày nay, trong giao dịch thương mại, việc bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng là một chế tài được sử dụng rộng rãi. Ảnh: QUANG ĐỨC
Xác định thiệt hại
Theo khoản 1, điều 419, BLDS 2015, thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 điều 419, điều 13 và điều 360 của BLDS 2015. Điều 13 và điều 360 của BLDS 2015 chỉ nêu nguyên tắc chung là nếu một bên gây thiệt hại cho một bên khác thì phải bồi thường cho bên này toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hay luật có quy định khác. Còn khoản 2, điều 419 chỉ đề cập thiệt hại là lợi ích mà lẽ ra người có quyền (bên bị vi phạm) sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại và các chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
Do đó, rất khó xác định được các loại thiệt hại mà bên bị vi phạm có thể yêu cầu bồi thường từ các quy định này. Đáng lẽ quy định của một bộ luật gốc như BLDS 2015 không thể ở trạng thái mơ hồ như vậy.
Về điểm này, quy định tại điều 302, Luật Thương mại dường như rõ ràng hơn rất nhiều. Theo đó, “giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Điều đáng tiếc là một cách tiếp cận như vậy không được đưa vào trong BLDS 2015.
Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại
Điều 362, BLDS 2015 quy định “bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”. Mới nhìn qua quy định này có vẻ hợp lý, song nếu xét kỹ có thể thấy nó rất bất lợi cho bên có quyền và không khả thi, đặc biệt là khi bên có quyền có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra. Quy định này có thể bị bên vi phạm lợi dụng dẫn tới việc bên bị vi phạm có thể sẽ không thu được một chút tiền bồi thường nào!
Pháp luật của một số nước tiên tiến như pháp luật Anh chỉ đặt ra nghĩa vụ đối với bên có quyền là phải áp dụng các biện pháp hợp lý để giảm thiểu tổn thất do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra. Chẳng hạn đối với hợp đồng mua bán, nếu bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng và bên mua có thể tìm được đối tác cung ứng hàng hóa đó trên thị trường thì bên mua phải chủ động mua hàng từ đối tác này chứ không được ngồi một chỗ và đợi bên bán giao hàng theo đúng các quy định của hợp đồng. Tương tự, bên có quyền cũng cần phải chi một số tiền nhất định để sửa chữa kịp thời một mặt hàng bị hư hỏng nhằm tránh việc phải thuê một thiết bị khác để thay thế cho mặt hàng này.
Đây cũng là cách tiếp cận của điều 305, Luật Thương mại. Theo đó “bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”. Điều dễ thấy là quy định này còn đầy đủ hơn quy định nêu trên của BLDS 2015 ở chỗ nó đưa ra được chế tài trong trường hợp bên có quyền không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất của mình. Rõ ràng bên vi phạm không thể khởi kiện được bên có quyền trong trường hợp này nhưng bên có quyền không thể yêu cầu bên vi phạm bồi thường đối với phần thiệt hại mà mình không áp dụng các biện pháp hợp lý để giảm thiểu.
Cũng cần lưu ý là pháp luật một số nước như Pháp còn chưa công nhận nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên có quyền.
Thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại
Thông thường số tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được xác định bởi tòa án hay trọng tài trên cơ sở thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu. Tuy nhiên, trong thực tế, thay vì phải đợi tòa án hay trọng tài tiến hành việc này thì các bên thường thỏa thuận trước trong hợp đồng về số tiền bồi thường thiệt hại khi xảy ra vi phạm là một con số cụ thể hay được tính theo một công thức nhất định thông qua điều khoản xác định mức bồi thường cụ thể (liquidated damages clause). Điều này hướng đến việc giảm thiểu chi phí thương lượng hay chi phí tố tụng, hạn chế mức bồi thường thiệt hại mà bên vi phạm phải trả hay trong trường hợp ngược lại gây áp lực cho bên vi phạm thông qua việc quy định một số tiền bồi thường lớn. Một số văn bản pháp luật chuyên ngành như trong pháp luật về điện lực thừa nhận giá trị pháp lý của điều khoản này.
Điều 360 BLDS 2015 quy định “trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Có ý kiến cho rằng điều luật này công nhận giá trị của điều khoản xác định mức bồi thường cụ thể. Tuy nhiên dường như việc các bên thỏa thuận nêu trong điều luật này chỉ liên quan đến việc thiệt hại được bồi thường một phần hay toàn bộ mà thôi.
Điều đáng buồn là người lập pháp đã bỏ qua cơ hội nêu một quan điểm chính thức về vấn đề này trong BLDS 2015.
Kết hợp bồi thường thiệt hại với phạt vi phạm
Theo quy định tại khoản 3, điều 418, BLDS 2015, các bên “có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại” nhưng trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì “bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.
Cách tiếp cận này khác biệt và có phần thụt lùi so với quy định tại khoản 2, điều 307, Luật Thương mại. Theo đó, về nguyên tắc, “trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, theo tinh thần BLDS 2015, nếu bên bị vi phạm muốn yêu cầu cả bồi thường thiệt hại lẫn phạt vi phạm thì điều này phải được nêu rõ trong hợp đồng.
(*) Giảng viên Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo BankPro
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/