|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ban IV: Doanh thu của doanh nghiệp liên tục giảm từ giữa năm 2022, tồn kho tăng mạnh

16:28 | 02/11/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo từ Ban IV, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản là hai nhóm ngành gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.

Ngày 2/11, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại báo cáo này, Ban IV cho biết doanh thu các ngành đã giảm liên tục từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là hai ngành bất động sản và xây dựng. Đến hết quý II/2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng và ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên quy mô doanh thu so với cùng kỳ.

Ban IV cho biết, dù đã niêm yết nhưng doanh nghiệp Việt vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn ngay lập tức.

Doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết giảm liên tục từ giữa năm 2022 đến nay. (Nguồn: Ban IV).

Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp. Trong đó, ngành nào có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lớn thì càng gặp khó khăn, đơn cử như xây dựng tỷ lệ này đang là 1,14 lần, ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng  0,78 lần, bất động sản 0,62 lần và vật liệu xây dựng 0,62 lần.

Cũng theo Ban IV, so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ rất đáng kể. Năm 2022, ngành xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là hàng và dịch vụ tiêu dùng 44,8% và bất động sản 40,2%. Điều này hàm ý, khi kinh doanh, doanh nghiệp chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư.

Doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền. (Nguồn: Ban IV).

Doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.

Số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng quý I/2022 là 463 ngày thì sang quý I/2023 lên đến 1.165 ngày. Dù hết quý II/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng cũng gây áp lực dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng.

Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt là có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày.

"Như vậy với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng", báo cáo từ Ban IV so sánh.

5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân đưa ra 5 giải pháp kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.

Một là, xem xét, đưa ra các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua việc hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đã phải chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô hoạt động và lao động. Các phần chi phí khác như: Lãi vay, thuế - phí, bảo hiểm xã hội... nằm trong không gian chính sách của Nhà nước.

Vì vậy, Ban IV kiến nghị Chính phủ có thể trọng tâm thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả, giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách).

Hai là, đối với chính sách tiền tệ, theo các kịch bản vĩ mô, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến tới giai đoạn cuối cùng của chu kỳ tăng lãi suất; lạm phát trong nước không quá căng thẳng.

Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, trọng tâm chính sách là lãi suất cho vay phải giảm thực sự để hỗ trợ doanh nghiệp vì dù đã giảm, nhưng vẫn lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao.

Đồng thời, trong bối cảnh phục hồi, các ngân hàng thương mại cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Vì vậy, cần ưu tiên lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các ngành có nhiều rủi ro cần chấp nhận lãi suất cao hơn. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hệ thống ngân hàng có thể cân nhắc cho phép các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu, ưu tiên như hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội, khu công nghiệp, văn phòng...được giãn nợ/ giữ nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Ba là, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ hiện đã không còn nhiều dư địa do lãi suất toàn cầu neo ở mức cao và chênh lệch lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá, cần xem xét thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu.

Trong đó, cần đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; Chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực của người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản; Xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp.

Trong trung hạn, xem xét chưa tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Còn về dài hạn, cần tiếp tục có những phân tích để thiết kế chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đại hơn, phù hợp với từng nhóm quy mô doanh thu và ngành nghề doanh nghiệp để vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách vừa đảm bảo việc phát triển nội lực doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ, vừa có cơ hội vươn mình.

Bốn là, cần phát huy thực chất vai trò của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương để tăng cường các hình thức tín chấp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và tham gia thị trường hiệu quả.

Mặt khác, cần quan tâm đặc biệt các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh cho nhóm chủ thể này vì doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải đối diện với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường ngay trong 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh nhận thức, năng lực, nguồn lực chuyển đổi đều còn rất hạn chế.

Năm là, để giải quyết một cách dài hạn các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, một trong các giải pháp cần đặc biệt lưu tâm là phát triển thị trường vốn hiện đại, đáp ứng chuẩn mực quốc tế nhằm dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, tránh để tăng trưởng quá phụ thuộc vào tín dụng, với một số khía cạnh.

Ban IV kiến nghị chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng việc trả về đúng định nghĩa “Nhà đầu tư chuyên nghiệp”, cụ thể, hạn chế tối đa hoặc thậm chí cấm sự tham gia các Nhà đầu tư cá nhân thị trường phát hành riêng lẻ như thông lệ quốc tế.

Cũng như, đẩy nhanh tiến độ để nâng hạng thị trường chứng khoán làm kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế để giải bài toán căn cơ, dài hạn.

Hạ An