Lợi nhuận quý III nhóm KCN: 6 doanh nghiệp tăng trưởng, IDICO và Long Hậu giảm mạnh
Mùa báo cáo tài chính quý III/2023 đã khép lại, nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều đã công bố kết quả kinh doanh. Bức tranh lợi nhuận quý này có sự phân hóa rõ rệt.
Thống kê kết quả kinh doanh của 11 doanh nghiệp trong ngành cho thấy, có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý III, gồm: Viglacera, Sonadezi, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tín Nghĩa, Nam Tân Uyên, Tân Tạo.
Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) thu về hơn 1.000 tỷ đồng từ cho thuê đất trong quý III, đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu doanh thu (3.471 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ).
Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, Mã: SNZ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.299 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu quý này được đóng góp bởi mảng kinh doanh khu công nghiệp (393 tỷ đồng, tăng nhẹ), dịch vụ cảng (hơn 300 tỷ đồng), cung cấp nước sạch (294 tỷ đồng), xử lý chất thải (hơn 176 tỷ đồng), doanh thu kinh doanh nhà và hạ tầng (hơn 32 tỷ đồng).
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.705 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chủ yếu là mảng cho thuê đất và cung cấp dịch vụ tiện ích KCN.
Quý III, CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 54,3 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đóng góp chủ lực là doanh thu kinh doanh bất động sản, do dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTU 3) chưa thể khai thác.
CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh quỹ đất KCN cho thuê không còn nhiều. Đóng góp chính vào lợi nhuận quý này của doanh nghiệp là mảng tài chính với doanh thu đạt gần 76 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ.
So với nửa đầu năm, hoạt động cho thuê đất và nhà xưởng, kho bãi của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) được cải thiện đáng kể. Nhờ vậy, doanh thu thuần quý III ghi nhận tăng 110% so với cùng kỳ, đạt 181 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Kinh Bắc, IDICO, Becamex IDC, Long Hậu đều sụt giảm trong quý III với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) tăng trưởng 22% về doanh thu thuần nhưng lợi nhuận giảm mạnh do không còn khoản lãi nghìn tỷ từ công ty liên doanh, liên kết.
Đồng thời, Kinh Bắc cho biết trong kỳ công ty chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng tại các khu công nghiệp (KCN) Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu và Tân Phú Trung với tổng diện tích 50 ha đã ký và tổng giá trị hợp đồng 1.700 tỷ đồng.
Doanh thu thuần của Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) giảm 30% về 1.444 tỷ đồng do các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định.
Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, Mã: BCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.127 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, chủ yếu là do doanh thu kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư giảm 60%.
Với CTCP Long Hậu (Mã: LHG), lợi nhuận quý III của doanh nghiệp cũng ghi nhận sụt giảm mạnh do không ghi nhận doanh thu từ hoạt động cho thuê đất.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng, chỉ có Sonadezi, Tín Nghĩa và Nam Tân Uyên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, còn lại đều sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, Becamex IDC giảm 84%, IDICO giảm 56%, Long Hậu giảm 38%.
Xét về “của để dành”, tại thời điểm cuối quý III, doanh thu chưa thực hiện của Sài Gòn Đầu tư VRG đứng Top1 với 11.294 tỷ đồng, IDICO 6.181 tỷ đồng, Sonadezi 4.956 tỷ đồng, Viglacera 2.687 tỷ đồng, Nam Tân Uyên 2.036 tỷ đồng, Becamex IDC 594 tỷ đồng, Tín Nghĩa 175 tỷ đồng...
Khan hiếm nguồn cung đất công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm
Theo ghi nhận của Cushman & Wakefield trong quý III vừa qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc không ghi nhận nguồn cung KCN mới. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 73%, tương đương mức hấp thụ thuần 120 ha. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu về lượng hấp thụ thuần lần lượt là 27% và 25%, tiếp theo là Hưng Yên và Hải Dương, mỗi tỉnh đóng góp 16%.
Giá thuê sơ cấp trung bình đất công nghiệp được ghi nhận ở mức 123 USD/m2/kỳ thuê, tăng 2,6% theo quý và tăng 10,2% theo năm. Một số chủ đầu tư KCN đã điều chỉnh giá trong khoảng 7 - 10%/năm trong bối cảnh nhu cầu cao và diễn biến thị trường tốt. Tuy nhiên, mức giá này vẫn đang ở mức hợp lý đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Đơn vị này dự báo từ quý IV/2023 đến năm 2026, khu vực này dự kiến sẽ có khoảng 5.300 ha nguồn cung đất KCN mới.
Còn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau khoảng 2 - 3 năm không có nguồn cung đất khu công nghiệp mới, thị trường đã chứng kiến nguồn cung mới từ tỉnh Long An trong quý III vừa qua từ KCN Nam Tân Tập 171 ha do Công ty Saigontel phát triển. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 82%, tương đương hấp thụ thuần 116 ha.
Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai địa phương có tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất phía Nam, với tỷ trọng lần lượt khoảng 59% và 28%.
Giá bán sơ cấp trung bình được ghi nhận ở mức 165 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% theo quý và tăng 8,5% theo năm. Một số khu công nghiệp đã có ghi nhận điều chỉnh giá tăng từ 3 đến 5% so với cùng kỳ.
Cushman & Wakefield dự báo với những nỗ lực không ngừng từ các chủ đầu tư và chính quyền địa phương, dự kiến sẽ có nguồn cung đất KCN mới dồi dào gia nhập thị trường. Từ hiện tại đến năm 2026, nguồn cung tương lai khoảng 5.700 ha, chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất cao, giá thuê đất được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng.