Nhóm khu công nghiệp quý III: Kinh Bắc báo tin vui, Viglacera lợi nhuận đi lùi
Kết quả kinh doanh quý III/2024 của một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp có sự bứt phá nhờ ghi nhận doanh thu cho thuê đất.
Trong đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) báo lãi hơn 201 tỷ đồng, gấp 41,7 lần so với mức nền thấp của cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận tăng mạnh chủ yếu là do ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp (hơn 580 tỷ đồng). Như vậy, ông lớn khu công nghiệp này đã lấy lại đà tăng trưởng sau hai quý liên tiếp báo lợi nhuận giảm.
Mặc dù vậy, lượng bàn giao đất công nghiệp hạn chế trong nửa đầu năm khiến kết quả kinh doanh 9 tháng của Kinh Bắc sụt giảm so với cùng kỳ. Trong đó, riêng doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng giảm mạnh từ hơn 4.567 tỷ về hơn 1.116 tỷ đồng.
Tổng Công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) báo lợi nhuận quý III tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 574 tỷ đồng. Kết quả này có được là do trong kỳ doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần.
Sau 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hơn 6.891 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.955 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 89% so với cùng kỳ. Mảng cho thuê đất và hạ tầng tại các khu công nghiệp vẫn đóng góp chính với gần 3.019 tỷ đồng, tăng 52%.
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, Mã: BCM) báo lãi 363 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết. Đóng góp chính và doanh thu quý III của công ty vẫn đến từ mảng kinh doanh bất động sản và bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 769 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) đem về gần 1.977 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ và gần 314 tỷ lãi sau thuế, tăng 54%. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp tăng. Doanh thu tài chính cũng tăng 155% lên hơn 135 tỷ đồng, do lãi bán các khoản đầu tư tăng.
9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 5.736 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 902 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 36% so với cùng kỳ. Nguồn thu chính vẫn đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp hơn 4.783 tỷ đồng, tăng 20%.
Doanh thu thuần quý III của CTCP Long Hậu (Mã: LHG) đạt gần 91 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; chủ yếu là doanh thu hoạt động cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại tăng. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi hơn 42 tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, công ty lãi 139 tỷ đồng, tăng 33%.
Trong khi đó, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) tiếp tục báo lợi nhuận đi lùi quý thứ hai liên tiếp, với hơn 234 tỷ đồng, giảm 46%.
Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận suy giảm chủ yếu do doanh thu mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các công ty con, liên kết của VGC trong nhóm kinh gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ đều giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Viglacera đạt 8.185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 643 tỷ đồng, giảm lần lượt 20% và 47% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ việc cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng đóng góp hơn 2.735 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi - Mã: SNZ) cũng báo lợi nhuận quý III giảm hơn 8% so với cùng kỳ còn gần 325 tỷ đồng. Các mảng đem về nguồn thu chính vẫn là từ kinh doanh khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, dịch vụ cảng và xử lý chất thải. Tuy nhiên, riêng doanh thu kinh doanh khu công nghiệp quý này giảm nhẹ so với cùng kỳ còn hơn 319 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty vẫn đạt hơn 4.192 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.198 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 23% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp còn lại như Tân Tạo, Nam Tân Uyên, Tín Nghĩa (TIP) cũng báo lợi nhuận quý III đi lùi chủ yếu do nguồn thu từ mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng thấp.
Xét về “của để dành”, tại ngày 30/9, doanh thu chưa thực hiện (nhận trước tiền cho thuê đất, nhà xưởng…) của Sài Gòn Đầu tư VRG nhiều nhất với 11.946 tỷ đồng. Tiếp theo là IDICO với 7.242 tỷ đồng, Sonadezi với 4.650 tỷ đồng, Viglacera gần 2.594 tỷ đồng, Nam Tân Uyên 2.947 tỷ đồng, Tín Nghĩa (TIP) hơn 163 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật ngành mới đây, Chứng khoán Vietcap kỳ vọng nhu cầu cho thuê đất khu công nghiệp sẽ vẫn chậm trong nửa cuối năm 2024 nhưng sẽ phục hồi trong năm 2025. Chính sách rõ ràng hơn và môi trường chính trị ổn định hơn tại Mỹ, cùng với mặt bằng lãi suất thấp hơn, sẽ hỗ trợ kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.
Nguồn cung đất cho thuê dự kiến cải thiện khi các quy hoạch tỉnh đã hoàn thành cũng như quy trình chuyển đổi đất cao su sang đất công nghiệp được đẩy nhanh, sẽ hỗ trợ các nhà phát triển khu công nghiệp mở rộng quỹ đất và tăng tốc độ hồi phục doanh số cho thuê đất vào năm 2025.
Theo đó, nhóm phân tích dự báo doanh số cho thuê đất của các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp bao gồm Kinh Bắc, IDICO, Đầu tư VRG (SIP), Sonadezi Châu Đức, Tập đoàn Cao su (GVR), Cao su Phước Hòa (PHR) sẽ giảm trong năm 2024 nhưng sẽ tăng trong hai năm tới.