Bàn giao Chi cục Quản lý thị trường về Bộ Công thương: Những băn khoăn về cơ chế, nhân sự
Hai Cục phó Quản lí thị trường bị xem xét xử lí vì phát ngôn trong vụ Con Cưng | |
28 Chi cục Quản lý thị trường phía Bắc được bàn giao về Bộ Công Thương |
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, các Chi cục QLTT trên cả nước sắp được bàn giao về Bộ Công Thương và sẽ được tinh giản nhân sự, nâng cao chất lượng thời gian tới. Ảnh: PV |
Bàn giao rồi vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề
Sáng 4.10, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ bàn giao 14 Chi cục QLTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mặc dù tích cực tiến hành bàn giao theo chỉ đạo, tuy nhiên các Chi cục đều thể hiện nhiều băn khoăn bởi sự thay đổi sau khi gom về một mối ảnh hưởng rất nhiều mặt và đến từng cá nhân.
Ông Vũ Quang Thắng - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Bình - có ý kiến, việc đưa Chi cục QLTT về Bộ Công Thương có điểm tích cực là từ nay vị trí pháp lý của lực lượng được nâng lên ở bậc mới. “Tuy nhiên chúng tôi cũng xác định rằng đây là thách thức mới. Bởi, dù thay đổi về cơ cấu tổ chức mô hình, nhưng rõ ràng công tác QLTT thì phải thường xuyên gắn với địa bàn, không tách rời khỏi sự lãnh đạo của UBND các tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan chức năng địa phương. Nếu không có được những điều đó, công tác QLTT sẽ không đạt như mong muốn.
Vậy nên, để làm được điều đó, chúng tôi mong phía lãnh đạo Bộ Công Thương cần sớm có chương trình, kế hoạch tổ chức các buổi làm việc, ký kết quy chế phối hợp giữa Bộ và UBND các tỉnh, thành để lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện công tác, đặc biệt là thời điểm sau 12.10 khi hoàn thành việc chuyển giao, tránh tình trạng gián đoạn công việc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện chính sách pháp lý, tránh tạo kẽ hở về mặt pháp lý để tạo điều kiện cho lực lượng QLTT địa phương thực hiện nhiệm vụ”.
Không chỉ có những băn khoăn về cơ chế hoạt động, vấn đề nhân sự cũng khiến nhiều Chi cục quan tâm. Ông Đoàn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Nam - nhìn nhận, lực lượng QLTT sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức trong thời gian tới trong công tác chỉ đạo, triển khai, phối hợp giữa các tổ chức có liên quan trên địa bàn.
Riêng với Quảng Nam, ông Sơn cho biết, hiện nay có 20 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ được tỉnh cho phép và nằm trong chỉ tiêu biên chế. Lực lượng này đã gắn bó hơn 10 năm với công tác QLTT, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã được đào tạo rất nhiều và đều là những người trên 30 tuổi, đưa ra ngoài cũng không biết xin việc ở đâu. “Chúng tôi kính đề nghị Bộ và Tổng cục hỗ trợ cho các nhân sự này tiếp tục làm việc cho đến khi có tổ chức thi tuyển” - ông Sơn trình bày.
Lập mới nhưng sẽ giảm số lượng, tăng chất lượng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh, “Việc tổ chức hoạt động của Tổng cục QLTT trên cơ sở sáp nhập Chi cục QLTT địa phương và Cục QLTT Trung ương là bước cụ thể hoá pháp lệnh QLTT mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã từng ban hành...”.
Thứ trưởng Hoàng An cho biết, trong điều kiện ngành kinh tế mở hiện nay, nhiệm vụ của QLTT càng phức tạp và khó khăn. Với lực lượng như hiện nay trên cả nước là 6.544 cán bộ thì việc làm cách gì để hoạt động tốt hơn là những câu hỏi đặt ra. Đặc biệt, dù QLTT có chuyển về Bộ hay không, Bộ Công Thương vẫn mong các lãnh đạo thành phố vẫn tiếp tục hỗ trợ bởi phạm vi tác nghiệp và việc quản lý con người vẫn là ở địa phương. Toàn bộ hoạt động của lực lượng QLTT ở địa phương đều gắn chặt, không được phép tách rời khỏi sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương.
Về mặt hành chính sau khi bàn giao, Thứ trưởng cho hay: “Trước mắt, các cục địa phương vẫn giữ nguyên, sau đó sẽ giảm đi 19 cục địa phương để còn lại 43 cục. Riêng đội QLTT thì phải làm rất nhanh, quyết liệt là ngay năm nay phải giảm 169 đội trên tổng số 681 đội, tương đương với giảm 25% nhân sự. Đến năm 2020, số đội QLTT sẽ giảm đi 47%. Việc giảm nhân sự chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và cần sự phối hợp của các cơ quan. Chúng ta giảm nhân sự nhưng sẽ tăng cường chất lượng khi tổ chức thành lập Cục QLTT liên tỉnh và đội QLTT liên huyện/liên quận tuỳ theo quy mô. Riêng những ý kiến về mặt nhân sự hợp đồng, chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ Nội vụ và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”.
Về phần quy chế hợp tác, ngày 17.9 vừa rồi Bộ Công Thương cũng đã gửi bản dự thảo quy chế phối hợp giữa Bộ và UBND các tỉnh, thành để các đồng chí có ý kiến góp ý và tổ chức ký kết tại 63 tỉnh, thành. “Trước mắt và trong thời gian sắp xếp lại bộ máy, tôi kính đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành tiếp tục tạo điều kiện cho anh em lực lượng QLTT tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành. Riêng lực lượng QLTT khẩn trương ổn định tư tưởng, không gián đoạn toàn bộ công tác chuyên môn” - Thứ trưởng Hoàng An cho biết.