28 Chi cục Quản lý thị trường phía Bắc được bàn giao về Bộ Công Thương
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Trong thời gian chưa đầy 2 tháng từ sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường có hiệu lực, các đơn vị liên quan đã khẩn trương, quyết liệt trong việc xử lý công việc ở mỗi địa phương để có được Lễ bàn giao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu. |
Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định: Dù trực thuộc Bộ Công Thương hay trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố, bản chất hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường không hề thay đổi. Đó là phục vụ nhiệm vụ chung duy nhất là kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống các vi phạm về giá, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Cuộc chiến làm lành mạnh thị trường còn kéo dài và cam go trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, còn nhiều manh động, trang thiết bị của đối tượng vi phạm tốt hơn trang bị của lực lượng thực thi pháp luật. Chính vì vậy, công tác nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kiểm tra công cụ, xây dựng, chỉnh đốn tác phong là nhiệm vụ số một để trở thành chỗ dựa của luật pháp, doanh nghiệp, đấu tranh với các đối tượng làm tổn hại đến người tiêu dùng”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo Quy định tại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương. Tại địa phương, cơ quan Quản lý thị trường được thành lập đơn vị cấp Cục trực thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường.
Theo kế hoạch, việc xây dựng Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12/2019, theo đó sẽ giảm từ 63 Cục cấp tỉnh, thành phố xuống còn 44 Cục cấp tỉnh, thành phố và liên tỉnh. Việc rà soát, giảm số lượng các Đội Quản lý thị trường cấp huyện xuống còn 376 Đội theo lộ trình đến năm 2020, giảm 24%.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức ngày 22/8 vừa qua, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), cho hay, Tổng cục QLTT có 6 đơn vị (giảm 45,5% so với con số 11 đơn vị như trong đề án thành lập) gồm 4 vụ, 1 cục và Văn phòng Tổng cục. Tổng cục QLTT sẽ không có tổ chức cấp phòng trong Vụ, Cục và các Đội.
Tại cấp địa phương, lực lượng QLTT cấp tỉnh thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2019 sẽ tinh giảm từ 63 đơn vị xuống còn 44 đơn vị thông qua phương án sắp xếp lại một số Cục QLTT cấp tỉnh thành Cục QLTT liên tỉnh. 38 Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuống còn 19 Cục QLTT liên tỉnh (tương đương giảm 30%).
Đối với lực lượng QLTT cấp huyện sẽ tiến hành tinh giảm tổ chức bộ máy theo lộ trình sắp xếp lại các Đội QLTT cấp huyện thành các Đội QLTT liên huyện theo mục tiêu giảm 305 đội (giảm 45%) từ 2018-2020.
Với cấp cục, để đảm bảo không gián đoạn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính, với chức danh Tổng Cục trưởng sẽ báo cáo Ban cán sự tạm thời giao quyền Tổng Cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng từ nay đến 12/10 đến khi Quyết định 34 có hiệu lực.
Liên quan tới kinh phí sau khi bàn giao và tiếp nhận tài sản của Tổng cục QLTT, ông Vũ Quốc Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, các cơ quan QLTT ở địa phương tiếp tục sử dụng kinh phí đã được cấp đến hết năm ngân sách 2018 và quyết toán với ngân sách địa phương; thực hiện khoá sổ kế toán, đối chiếu kinh phí đến thời điểm 31/12/2018. Bộ Công Thương tiếp nhận kinh phí 0 đồng kể từ ngày 1/1/2019.