Bài toán phát triển năng lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Trang Business Today của Malaysia vừa đăng tải nhận định của bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và là thư ký của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á -Thái Bình Dương (ESCAP) về việc cần phải thu hẹp khoảng cách phát triển năng lượng bền vững với những nội dung chính sau:
Năm 2023, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đi được một nửa chặng đường trên hành trình hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững, cũng như đảm bảo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một trong những thách thức cấp bách nhất hiện nay của các nước là quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững, giá hợp lý (SDG 7). Nếu không tiếp tục nỗ lực, việc đạt được mục tiêu SDG 7 sẽ không thể thực hiện được.
Điều này là do khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tầm quan trọng trong việc cung cấp và tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (LHQ) khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đặt những vấn đề này vào vị trí trung tâm trong Diễn đàn Năng lượng châu Á và Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 10/2023.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hàng trăm triệu người dân đến nay vẫn chưa được sử dụng điện và nhiên liệu sạch. Việc thiếu khả năng tiếp cận điện gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kinh tế.
Hơn nữa, sự phụ thuộc vào nhiên liệu nấu ăn truyền thống như củi, than đã góp phần gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em.
Để thu hẹp khoảng cách tiếp cận năng lượng và thúc đẩy các chương trình bảo vệ môi trường, việc tăng cường phổ biến sử dụng năng lượng tái tạo là điều bắt buộc.
Việc tăng cường chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo mở ra con đường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, giảm nhu cầu về việc tìm nguồn cung cấp mới, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Việc hiện thực hóa các mục tiêu SDG 7 đòi hỏi phải các nước phải tăng cường đầu tư nguồn vốn. Theo Lộ trình toàn cầu về hành động SDG của Tổng thư ký LHQ, đến năm 2025, khoản đầu tư hàng năm cho việc tiếp cận điện phải tăng thêm 35 tỷ USD và tăng thêm 25 tỷ USD cho nhiên liệu nấu ăn sạch.
Bên cạnh đó, các nước cũng cần tăng gấp ba lần nguồn vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo và các chương trình tiết kiệm năng lượng vào năm 2030.
Điều này sẽ đòi hỏi một lượng lớn tài chính từ khu vực tư nhân để bổ sung, hỗ trợ nguồn tài chính công trong việc giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, cơ chế định giá carbon có thể khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng sạch hơn, các mô hình kinh doanh và công cụ tài chính sáng tạo có thể thu hút nguồn tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, để thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, chính phủ các nước cần ban hành các chính sách, cung cấp hệ sinh thái thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo sự ổn định của quá trình chuyển đổi năng lượng trong dài hạn, các chính phủ phải lưu ý đến những rủi ro trong dài hạn. Điểm mấu chốt trong số này là việc đảm bảo và cung cấp đầy đủ, ổn định các nguyên liệu thô quan trọng cần thiết để chế tạo hàng triệu tấm pin mặt Trời, tua-bin gió trong tương lai.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về sản xuất nguyên liệu thô quan trọng và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, song vẫn cần tăng cường hợp tác quốc tế để tối ưu các hoạt động khai thác tài nguyên, qua đó giảm thiểu thiệt hại về môi trường. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào chế các nguyên liệu thô quan trọng có thể làm giảm mức tiêu thụ tài nguyên hữu hạn.
Mặc dù việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn tài nguyên và công nghệ bền vững là một xu thế tất yếu hiện nay, nhằm bảo vệ môi trường, song cần đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều này bao gồm các cơ hội đào tạo lại và tái tuyển dụng người lao động trong các ngành đang suy thoái, cũng như hỗ trợ cộng đồng để giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Để đạt được SDG 7 đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần có cách tiếp cận nhiều mặt. Đây là thách thức mà không một quốc gia hay khu vực nào cũng có thể giải quyết một cách riêng biệt. Đã đến lúc các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tái cam kết về tầm nhìn khu vực để tất cả người dân đều được tiếp cận với năng lượng sạch cũng như tận dụng tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo.