|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bài toán của Chứng khoán CV để khai thác 31 triệu người dùng của MoMo

14:40 | 24/11/2023
Chia sẻ
17 tháng sau khi về tay MoMo, Chứng khoán CV có động thái đầu tiên cho thấy việc sắp gia nhập sân chơi chứng khoán khi được chấp thuận kết nối hệ thống giao dịch trực tuyến với hai sở. Nhưng sau bước cơ cấu ban đầu, bài toán vốn sẽ cần lãnh đạo Chứng khoán CV phải giải tới đây.

Bài toán Chứng khoán CV cần giải để tận dụng nguồn tài nguyên 31 triệu người dùng của MoMo. Ảnh: MoMo.

MoMo bắt đầu tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán 

Trước khi sở hữu Chứng khoán CV, sự hiện diện của MoMo trên thị trường chứng khoán đang dừng lại ở vai trò là một nền tảng giúp kết nối nhu cầu đầu tư và là giải pháp thanh toán cho người dùng trong giao dịch mua/bán chứng chỉ quỹ mở của các công ty quản lý quỹ như Dragon Capital, SSIAM, VCBF, IPAAM.

Không riêng MoMo, hai fintech khác trên thị trường khác cũng đang hợp tác theo mô hình này là Finhay và Fincorp. Hoặc mới đây là hợp tác giữa Zalopay và Chứng khoán DNSE. 

Nhưng sự hợp tác này chỉ giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của tập khách hàng mà các fintech đang có. Với quy định hiện hành, nhà đầu tư muốn giao dịch cổ phiếu, chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số, chứng quyền) bắt buộc phải mở tài khoản tại công ty chứng khoán.

Do đó, mô hình hợp tác như vừa nêu chưa đủ để fintech khai thác triệt để nguồn khách hàng của họ bởi không thể tham gia sâu vào mảng tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán hoặc cho vay (margin).

Ở một góc độ khác, hiện nay quy mô đầu tư vào chứng chỉ quỹ đang rất nhỏ so với giao dịch cổ phiếu, phái sinh. Theo dữ liệu VDSC công bố, 105 quỹ đầu tư chứng khoán đang hoạt động có tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 72.000 tỷ đồng và số lượng nhà đầu tư qua quỹ là 250.000 tính tới cuối tháng 9.

Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 7,4 triệu tài khoản và vốn hóa riêng sàn HOSE gần 4,4 triệu tỷ đồng. Nên dù fintech chưa công bố dữ liệu về nguồn thu từ bán chéo chứng chỉ quỹ, nhưng có thể hình dung từ phép so sánh trên rằng, giao dịch chứng chỉ quỹ còn thua xa tiềm năng của cổ phiếu. 

Nhìn thẳng vào các công ty chứng khoán sở hữu công ty quản lý quỹ hay những công ty quản lý quỹ hàng đầu thị trường, nguồn thu từ hoạt động quản lý quỹ thấp hơn đáng kể hai mảng truyền thống là môi giới và margin.

Thực tế trên trả lời câu hỏi tại sao công ty chứng khoán lọt vào tầm ngắm của fintech. Công ty chứng khoán chính là công cụ để giải quyết gốc rễ bài toán cung cấp giải pháp tài chính toàn diện của fintech, giống như ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO của ví MoMo từng chia sẻ với truyền thông.

Ba cuộc kết duyên đã xuất hiện trên thị trường là Finhay - Chứng khoán Vina, MoMo - Chứng khoán CV, Tititada - Saigonbank Berjaya. Nhưng hầu hết công ty chứng khoán bị mua lại đều trong tình trạng yếu kém, nhiều trường hợp chỉ mang tính chất như một thương vụ "mua bán giấy phép".

Đơn cử với Chứng khoán CV, trước khi gia nhập hệ sinh thái ví điện tử hàng đầu Việt Nam mang tên MoMo vào tháng 6/2022, công ty này không kinh doanh nghiệp vụ cơ bản nhất là môi giới chứng khoán.

Tháng 10/2020, Chứng khoán CV rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán, hủy tư cách thành viên với các Sở Giao dịch và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Khách hàng tất toán tài khoản và CV tự động chuyển tài khoản sang một công ty chứng khoán khác.

Nhưng mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có quyết định chấp thuận cho Chứng khoán CV được kết nối giao dịch trực tuyến. Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chấp thuận cho công ty là thành viên giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch của sở này.

Việc cho phép kết nối hệ thống giao dịch trực tuyến với hai sở là nền tảng để công ty phát triển mảng môi giới, khách hàng. Đây là động thái rõ nhất cho thấy Chứng khoán CV sắp “nhập cuộc” sân chơi chứng khoán đang cạnh tranh khốc liệt.

Bài toán vốn của Chứng khoán CV

Hậu đổi chủ, Chứng khoán CV vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu và chưa có doanh thu dịch vụ chứng khoán. Khoản thu duy nhất của công ty trong 9 tháng đầu năm nay là lãi từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) gần 3,3 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, Chứng khoán CV đang có 16,5 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (1 – 3 tháng) và 30 tỷ đồng tiền gửi 6 tháng.

Nhóm chủ mới giành hơn 1 năm để cấu trúc lại Chứng khoán CV, từ hoàn thiện pháp lý, xây dựng nền tảng giao dịch, tổ chức bộ máy quản lý, sửa đổi quy chế hoạt động. Cổ đông lớn nhất của Chứng khoán CV - CTCP Dịch vụ Di động Trực Tuyến (sở hữu Momo) là đơn vị phát triển phần mềm giao dịch và các công việc liên quan đến hoạt động công nghệ thông tin.

Mọi hoạt động của Chứng khoán CV đang diễn ra theo đúng định hướng của đợt tăng vốn đầu tiên sau khi đổi chủ. Bốn tháng sau khi công bố hoàn tất thương vụ M&A vào giữa năm 2022, CV tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 157,5 tỷ đồng. Gần một nửa số vốn được góp thêm (67,5 tỷ đồng) được sử dụng để phát triển trung tâm dữ liệu, đường truyền kết nối, thiết bị và phần mềm để đáp ứng nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Ngoài ra, công ty còn dùng 5 tỷ đồng để thiết kế, thi công, mua sắm tài sản, công cụ liên quan đến trụ sở chính và 32,5 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, dường như đây chỉ là những trang bị bước đầu để Chứng khoán CV có thể trở lại thị trường. Bối cảnh ngành chứng khoán đang cạnh tranh khốc liệt từ nhóm công ty chứng khoán tư nhân, tổ chức ngoại và những đơn vị được hẫu thuẫn vốn bởi ngân hàng mẹ, tổ chức liên quan đến MoMo cần nhiều hơn thế, tiên quyết là vốn.

Vốn để phục vụ nhu cầu margin và ứng trước tiền bán. Chính vì lý do này, quyết định tăng vốn công ty chứng khoán lên hàng nghìn tỷ đồng ngay sau M&A là hiện tượng quen thuộc ba năm trở lại đây. Thậm chí, Chứng khoán VPBankS sớm trở thành công ty có vốn điều lệ thứ hai thị trường với quy mô 15.000 tỷ đồng nhờ tiềm lực của VPBank.

Với Chứng khoán CV, tổng tài sản thời điểm cuối tháng 9/2023 gần 72 tỷ đồng, lọt nhóm thấp nhất ngành. Song, công ty có nguồn lực bổ trợ từ cộng đồng người dùng ví điện tử MoMo. Theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” do Decision Lab phối hợp MMA (Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam) công bố, MoMo nắm giữ 68% thị phần ví điện tử tại Việt Nam trong quý I/2023, hiện có 31 triệu người dùng.

Nhưng 31 triệu người dùng của MoMo liệu đã đủ Chứng khoán CV xây dựng vị thế trong ngành chứng khoán với vị thế vốn mỏng?

Sau bước đầu cấu trúc, tới đây, bài toán vốn sẽ cần ban lãnh đạo Chứng khoán CV và cổ đông của công ty giải. Tại ngày 30/9/2023, Chứng khoán CV có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Dịch vụ Di động Trực Tuyến (49%), ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường cùng nắm giữ 17% vốn.

Lợi Hoàng

Giá vàng tăng nóng, chuyên gia cảnh báo rủi ro kép khi mua vàng giá cao
Giới chuyên gia cho rằng việc mua vàng thời điểm này “cực kỳ rủi ro” vì nhà nước sẽ có nhiều biện pháp kéo giá vàng trong nước gần hơn với thế giới. Vì thế, lúc đó, ai mua giá cao sẽ chịu thiệt hại kép từ chênh lệch mua - bán (khoảng 2 triệu đồng/lượng) và việc NHNN có biện pháp can thiệp để hạ nhiệt giá.