|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bãi đỗ xe ngầm cần sổ đỏ

21:14 | 31/03/2019
Chia sẻ
Triển khai các bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn Thành phố sẽ khó thực hiện bởi còn thiếu cơ sở pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt bãi đỗ xe cũng cần công nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Triển khai các bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn Thành phố sẽ khó thực hiện bởi còn thiếu cơ sở pháp lý để khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt bãi đỗ xe cũng cần công nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Bãi đỗ xe ngầm cần sổ đỏ - Ảnh 1.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đã có đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về dự án bãi đỗ xe ngầm trên phần đất hiện hữu thuộc Công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Theo thống kê của thành phố Hà Nội, năm 2018 TP có 6 triệu xe máy và 60 vạn ô tô. Dự kiến, năm 2020 – 2025 chúng ta có tới hơn 1 triệu các xe ô tô.

Giải pháp bãi đỗ xe ngầm

Để giải quyết vấn đề giao thông tĩnh, bãi đỗ xe ngầm đã được đặt ra từ khá lâu. Từ năm 2004, TP Hà Nội đã có chủ trương mời gọi nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm như: bãi đỗ xe Hàng Đậu (Công ty Đông Dương đề xuất), bãi đỗ xe Ngân hàng, cùng một loạt bãi đỗ xe ngầm tại khu vực trước cửa Nhà thờ lớn, ở công viên Thống Nhất, khu vực giáp ga Hà Nội… nhưng rất tiếc đều không thành công.

Trong quy hoạch năm 2016, Chính phủ lại khẳng định phải gia tăng bến bãi đỗ xe. Theo đó, TP Hà Nội dự kiến cần 1.700 ha đất để dành cho các bến bãi đỗ xe. Trong diện tích đất trên, Chính phủ khẳng định ưu tiên phát triển các bãi đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe cao tầng, với tỉ lệ dự kiến 5% dành cho ngầm và 30 - 40% bãi đỗ xe cao tầng.

Đối với các bãi đỗ xe ngầm, vị trí trong công viên nhận được nhiều sự quan tâm, thời gian gần đây. Bởi những bãi đỗ xe này phải đặt ra nhiều yêu cầu, đó là tuân thủ nguyên tắc kết nối giao thông hợp lý với các mạng lưới để không gây ra ùn tắc. Điều quan trọng nhất đối với các bãi đỗ xe ngầm tại các công viên là không được khai thác sử dụng các dịch vụ thương mại và đặc biệt cần đảm bảo diện tích mặt đất phía trên vẫn là diện tích cây xanh. Thí dụ, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, yêu cầu phần cao nhất của công trình ngầm phải đảm bảo cách mặt đất hơn 2m để cây xanh sống được.

Với những tiêu chí trên, bãi đỗ xe cần ít nhất gần 300 nghìn tỷ đồng, tức là chiếm khoảng 17% GDP của toàn thành phố. Đây là yêu cầu rất lớn, nên đòi hỏi TP phải có cơ chế hợp lý để thu hút các nguồn lực xã hội.

Bốn khó khăn phải vượt qua

Khi khai thác các nguồn lực xã hội, chúng ta lại vấp một số khó khăn.

Thứ nhất là câu chuyện ứng dụng kỹ thuật như thế nào để không ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Đây là một câu chuyện rất khó, bởi công việc này yêu cầu các công nghệ hiện đại rất đắt tiền. Trong khi đó với các doanh nghiệp khi đầu tư số tiền lớn họ cần tính toán sau bao nhiêu thời gian sẽ thu lại được nguồn vốn đầu tư, đồng thời đảm bảo có lãi…

Thứ hai, khó khăn trong việc đảm bảo cho các cây xanh ở trên không bị ảnh hưởng từ những tác động của công trình.

Thứ ba, về thủ tục hành chính, hiện còn một khó khăn bất cập nữa đó là việc thẩm định khi triển khai các dự án, đặc biệt việc xác nhận quyền khai thác sử dụng sở hữu. Bởi theo Luật đất đai 2013 thì đối với các công trình trên mặt đất thì đều có chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng đối với các bãi đỗ xe ngầm thì quyền sử dụng đất sẽ như thế nào? Có phải chỉ được khai thác, sử dụng như dự án phê duyệt để đảm bảo có lãi, hay có quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp như quyền sử dụng ở trên mặt đất hoặc quyền sở hữu nhà, thì hiện nay Luật còn lúng túng, chưa rõ ràng.

Khó khăn cuối cùng cũng là khó khăn lớn nhất, đó là cần phải có quy hoạch xác định cụ thể vị trí triển khai ở đâu, và trước đó cần có quy hoạch không gian ngầm. Trong khi đó, tất cả các đô thị của Việt Nam đều chưa có quy hoạch không gian ngầm.

Hà Nội đã từng đặt ra yêu cầu phải có quy hoạch không gian ngầm, nhưng sau 3 năm nghiên cứu thẩm định, lấy ý kiến các chuyên gia nhưng chúng ta chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm. Bởi để giải quyết các bãi đỗ xe, TP cần yêu cầu giải phóng mặt bằng, giải bài toán mất cân đối với đất cây xanh, mất cân đối với các hệ thống đường giao thông,...

Do đó, việc xác định triển khai bãi đỗ xe ngầm ở vị trí nào là câu chuyện chúng ta cần cân nhắc kỹ. Đặc biệt đối với Hà Nội – nơi còn thiếu những dữ liệu cơ bản về không gian ngầm của thành phố. Trong đó có những tuyến đường với những hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, thông tin liên lạc), an ninh quốc phòng… mà hiện nay chúng ta đang lúng túng bởi việc định vị cụ thể tại từng vị trí không phải là chuyện dễ dàng.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội