[Bài 2] Việt Nam, Mexico sẽ hưởng lợi như thế nào từ TPP 11?
[Bài 1] Châu Á sẽ dẫn đầu xu hướng thương mại tự do với CPTPP | |
CPTPP vừa được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile |
Lợi ích lớn từ TPP 11 cho Việt Nam
Trong tất cả thành viên tham gia Hiệp định TPP ban đầu, Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Ngành công nghiệp may mặc và giày da của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 30%/năm nhờ khả năng tiếp cận thị trường Mỹ được cải thiện, từ mức 10% đến 12% hiện nay. Xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên TPP 11 cũng sẽ tăng nhưng có thể không tăng đột biến.
Đối với ngành thủy sản Việt Nam, tác động lớn nhất của Hiệp định TPP 11 chính là giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Con cá của Việt Nam, đặc biệt là cá da trơn, đang bị châu Âu và Mỹ nghi ngờ về vấn đề an toàn thực phẩm và điều kiện nuôi trồng. (Trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Mỹ áp thuế mặt hàng cá phi lê và chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ).
Mặt khác, Hiệp định TPP 11 có thể giúp cải thiện danh tiếng của con cá Việt Nam trên thị trường thế giới. Nhật Bản đang đánh thuế nhập khẩu khá cao đối với mặt hàng thủy sản, đồng nghĩa rằng việc các doanh nghiệp tăng đầu tư vào kỹ thuật để đảm bảo các tiêu chuẩn cao hiện nay cũng không có quá nhiều ý nghĩa.
Việt Nam sẽ hưởng lợi thế nào từ TPP 11? |
Việt Nam lâu nay vẫn muốn đẩy nhanh việc ký kết TPP 11 một phần vì chính phủ nước này tin rằng, thỏa thuận mới sẽ khuyến khích Mỹ quay trở lại. Ngoài ra, TPP 11 cũng sẽ giúp cải thiện tình hình xuất khẩu và mối quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam không phải là thành viên duy nhất hy vọng Mỹ quay trở lại Hiệp định này. Tháng 1, ông Trump từng mở ra hy vọng cho TPP khi gợi ý có thể quay trở lại nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn với các nước.
TPP 11 có giúp Mexico bớt phụ thuộc vào Mỹ?
Theo phân tích của Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Mexico sẽ hưởng lợi lớn từ TPP 11; trước mắt là Hiệp định này sẽ giúp mở cửa 6 thị trường mới ở châu Á, cho phép nước đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, như thịt heo, bơ, cà chua và hoa quả nhiệt đới, sang thị trường này.
Mexico đã quá quen thuộc với các thỏa thuận thương mại tự do, bởi nước này đã ký kết thỏa thuận thương mại với 46 quốc gia, bao gồm cả Nhật Bản. Tuy nhiên, TPP 11 là một cơ hội đầy hứa hẹn để Mexico thiết lập mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia mới, như Australia, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Những thỏa thuận mà Mexico hiện đang tham gia chủ yếu là với các nước châu Mỹ và châu Âu.
TPP 11 có giúp Mexico bớt phụ thuộc vào Mỹ? (Nguồn: Reuters) |
Nổi tiếng nhất có lẽ là Hiệp định NAFTA. Sau khi Hiệp định NAFTA được ký kết, nhiều doanh nghiệp của Mỹ kéo sang nước này xây dựng cơ sở sản xuất để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ. Kết quả là, kinh tế Mexico tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành trung tâm sản xuất của thị trường Mỹ. Đến nay, kinh tế Mexico vẫn phụ thuộc rất lớn vào “người hàng xóm” Mỹ; riêng trong năm 2017, Mỹ chiếm tới 80% tổng xuất khẩu và 46% tổng nhập khẩu hàng hóa của nước này.
Không quá khó hiểu khi ông Guajardo lại rất nhiệt tình trong việc mở rộng phạm vi đối tác thương mại. Đơn giản vì, Mexico đang gặp khó khăn với “người hàng xóm phương Bắc” của mình – Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Hiệp định NAFTA (một thỏa thuận thương mại nhằm xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa Mexico, Mỹ và Canada) là một thảm họa và buộc hai đối tác này trở lại các vòng đàm phán để sửa đổi Hiệp định. Ngày 5/3, ba nước bước vào vòng đàm phán thứ 7 về Hiệp định NAFTA; và để gây áp lực cho Canada và Mexico, ông Trump tuyên bố sẽ loại hoàn toàn hai nước này khỏi danh sách áp thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm nếu chấp nhận đi đến thỏa thuận NAFTA mới với Mỹ.
Ngày 8/3, ông Trump đã ký quyết định đánh thuế 25% đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ tất cả quốc gia nhưng tạm thời miễn cho Canada và Mexico trong 30 ngày đầu. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày nữa.
Với lo ngại rằng mô hình kinh tế phụ thuộc vào NAFTA của mình có thể bị sụp đổ vì chính sách của ông Trump, chính phủ Mexico đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế. Tổng thống Enrique Pena Nieto đang kêu gọi mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tăng cường thu hút nhà đầu tư ngoại từ các nước khác ngoài Mỹ. Đáp lại những nỗ lực đó, thị phần của Mỹ trong xuất khẩu hàng hóa năm 2017 của Mexico đã giảm 1,1 điểm % so với năm trước đó. Dù vậy, Mỹ đến nay vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất của Mexico nếu xét về giá trị.
TPP 11 sẽ giúp Mexico đa dạng hóa đối tác thương mại, nhưng chưa chắc có thể giúp quốc gia này giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ. Dù vậy chính phủ Mexico vẫn giữ quan điểm chiến lược rằng, có các đối tác thương mại khác ngoài Mỹ để dựa vào sẽ giúp Mexico có lợi thế hơn trong quá trình tái đàm phán NAFTA với Mỹ. Nói cách khác, Mexico hy vọng sẽ làm thay đổi suy nghĩ của Mỹ rằng nước này sẽ không thể duy trì nền kinh tế mà không có NAFTA và phải nghe theo yêu cầu của Mỹ.
Có thể TPP 11 chưa mang lại lợi ích về kinh tế ngay lập tức cho các quốc gia thành viên, nhưng đây là lời khẳng định rất rõ ràng rằng, 11 quốc gia châu Á và châu Mỹ Latin vẫn ủng hộ thương mại tự do và nói không với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/