Bắc Giang đã đăng kí 149 mã vùng trồng vải: Cơ hội lớn để xuất sang Trung Quốc?
149 mã vùng trồng vải
Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với mặt hàng vải thiều tỉnh Bắc Giang đã phát triển thương hiệu, tem nhãn sản phẩm hàng hóa theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết, sau hội nghị xúc tiến tại tại thị Bằng Tường (Trung Quốc), tỉnh đã đăng kí 149 mã vùng trồng với 86 cơ sở đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đến thu mua vải thiều theo hợp đồng thương mại chính thức.
Như đã thông tin trước đó, kể từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc quy định các lô hàng rau quả xuất khẩu sang quốc gia này phải có tem nhãn ghi đầy đủ tin như tên hàng hóa, nguồn gốc, qui cách đóng gói, công ty xuất khẩu, mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng...
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, khuyến cáo là một chuyện nhưng việc thực hiện đến đâu lại là một câu chuyện khác khi nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn "mù mờ" trước qui trình để có được tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc.
Trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam, được biết hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Chi Cục Bảo vệ Thực vật của một số địa phương vẫn chưa nắm rõ qui trình để cấp mã vùng trồng và mã đóng gói, ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu của hàng hoa quả Việt Nam.
Tại Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019, các thương nhân trực tiếp kí hợp đồng tiêu thụ vải đối với các mã vùng trồng, các cơ sở đóng góp được dán tem truy xuất.
Tỉnh Bắc Giang xác định việc tiêu thụ vải không chỉ tập trung ở Trung Quốc mà còn xuất khẩu sang các thị trường khác trên thế giới", ông Trần Quang Tấn cho biết thêm.
Các địa phương giáp biên có cửa khẩu cùng các doanh nghiệp cam kết sẽ cùng đồng hành với Bắc Giang trong xúc tiến tiêu thụ vải thiều niên vụ năm nay.
Ông Đinh Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất nhập khẩu thương mại Hùng Thảo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, chia sẻ từ đầu vụ vải thiều sớm đến nay đã có gần 10 doanh nghiệp đến thăm các vườn vải để đánh giá chất lượng và kí hợp đồng.
Hiện đã có 2 doanh nghiệp kí hợp đồng thu mua vải thiều sớm. Năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch thu mua và xuất khẩu khoảng 10.000 tấn vải, tăng 2.000 tấn so với năm 2018.
Ông Đinh Văn Hưng chia sẻ: "Chúng tôi có những điểm cân và căng các băng rôn từng điểm thu mua cam kết rằng luôn ổn định giá cho bà con. Nếu hàng đạt tiêu chuẩn, đúng chất lượng thì công ty lúc nào cũng cân cao hơn các điểm khác từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Về phía các hộ trồng vải cũng cam kết với công ty là đảm bảo hàng đạt tiêu chuẩn, chất lượng".
Ảnh minh họa
Đại diện doanh nghiệp trong hệ thống phân phối, chuỗi bán lẻ ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng giám đốc Saigon Coop cho biết năm nay vải thiều Bắc Giang sẽ được đưa vào 700 điểm bán trong hệ thống phân phối tại 43 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm ngoái thu mua khoảng 40.000 tấn, doanh nghiệp dự kiến thu mua tăng thêm 25%.
Sản lượng vải Trung Quốc giảm mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu, sản lượng vải vụ mùa 2019 tại Trung Quốc giảm mạnh, nhiều khả năng sẽ khiến giá bình quân tại thị trường nội địa nước này năm nay cao hơn 2018.
Theo số liệu ghi nhận được từ Kho dữ liệu giá cả nông sản, Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây, giá vải bán buôn ngày 27/5 tại các chợ đầu mối một số địa phương của Trung Quốc dao động từ 12 Nhân dân tệ (NDT)/kg đến 31 NDT/kg.
Giá vải tại Chiết Giang vào khoảng 12 NDT/kg. Ở các tỉnh khác như Quảng Đông, Giang Tô và Bắc Kinh lần lượt là 17 NDT/kg, 20 NDT/kg và 25 NDT/kg. Tỉnh An Huy ghi nhận mức giá cao nhất trong ngày, đạt 31 NDT/kg
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt 2,3 triệu tấn, mức cao kỉ lục trong nhiều năm trở lại đây.