Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản kê khai giá thấp
Theo Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua địa phường có nhiều giao dịch chuyển nhượng bất động sản (BĐS) kê khai giá trị trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua và bên bán, đặc biệt là vi phạm về pháp luật thuế, hành vi trốn thuế.
Để đảm bảo tài sản cũng như quá trình giao dịch chuyển nhượng BĐS được thuận lợi, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về thuế, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến nghị các tổ chức, cá nhân khi phát sinh hoạt động mua, bán, chuyển nhượng BĐS phải thực hiện các thủ tục kê khai đúng giá, chính xác, trung thực theo giá thỏa thuận thực tế và chấp hành tốt quy định về pháp luật thuế.
Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề nghị các văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn chính sách pháp luật về thực hiện giao dịch BĐS theo đúng quy định.
Trường hợp khi mua bán đã ghi sai giá mua bán trên hợp đồng công chứng, đề nghị người bán và người mua thực hiện công chứng lại theo đúng giá thực tế và thực hiện các thủ tục tiếp theo tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và cơ quan thuế.
Nếu vì lý do bất khả kháng không thể công chứng lại, đề nghị người mua, người bán chủ động kê khai lại giá trên tờ khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ với cơ quan thuế và bổ sung tờ khai để chấp hành quy định pháp luật thuế.
Thực trạng giao dịch bất động sản tăng mạnh trong thời gian gần đây dẫn đến nguy cơ thất thu thuế từ lĩnh vực này ngày càng cao do nhiều tổ chức, cá nhân né thuế bằng việc khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp hơn nhiều so với giá bán thực tế.
Trước Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình và Đà Nẵng đã tiến hành siết hoạt động mua bán bất động sản "hai giá", tức giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 438/BTC-VP gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS).
Theo công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các cục thuế điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cục thuế tại địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế được Bộ Tài chính giao chỉ đạo các cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan công an, sở tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), việc mua bán BĐS có giá chênh lệnh giữa giá giao dịch thực tế và giá trong hợp đồng bằng hình thức kê khai hai giá là hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tuy nhiên, người mua nhà chấp nhận điều đó để đỡ phải chịu khoản thuế từ số tiền ngoài hợp đồng và như vậy là đã tiếp tay cho chủ đầu tư trốn thuế.
"Khách hàng chấp nhận dù biết phạm luật, một phần do cơ chế hiện nay chưa thực sự chặt chẽ. Hiện chỉ có một phương pháp tính thuế là đánh thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá trị hợp đồng đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS. Khi doanh nghiệp kê giá bán trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế sẽ làm cho mức thu của nhà nước bị giảm xuống.
Cả khách hàng và doanh nghiệp đang thấy lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái hại lâu dài, bởi thực trạng này góp phần khiến cho thị trường BĐS thiếu minh bạch", Chủ tịch HoREA phân tích.