Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư
Nhu cầu mở rộng các khu công nghiệp
Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế về hạ tầng giao thông và cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, theo dự báo của tỉnh, thời gian tới đây, địa phương tiếp tục là điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Hiện cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải đã trở thành một trong 21 cảng nước sâu lớn nhất thế giới có thể đón tàu trên 200.000 tấn và hệ thống các tuyến đường giao thông đã và đang được xây dựng sẽ trở thành mãi lực lớn để Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút các nhà đầu tư FDI trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp với tổng diện tích là hơn 9.054 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020.
Tính đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 469 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 20.095 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy là 52,35 % trên tổng số khu công nghiệp và 62,23% trên số khu công nghiệp đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng (13 khu công nghiệp).
Từ thực tế trên cho thấy, để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nhu cầu thuê đất trong các dự án khu công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, đòi hỏi cần mở rộng các khu công nghiệp để rộng cửa đón nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông, chủ đầu tư Khu công nghiệp Đất Đỏ 1 cho biết, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Đất Đỏ 1 đã đạt trên 60%.
Khu công nghiệp Đất Đỏ 1 đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, phấn đấu đến năm 2022 sẽ nâng tỷ lệ lấp đầy lên 100%. Theo ông Thanh, việc định hướng phát triển mở rộng khu công nghiệp ngay từ bây giờ là cần thiết để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư thứ cấp.
Tương tự, với Khu công nghiệp Đá Bạc, theo đánh giá từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh thì hiện Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 1 đã thu hút 4 dự án năng lượng mặt trời và tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%.
Vì vậy, việc phát triển các giai đoạn 2 và 3 của khu công nghiệp này để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp về công nghiệp hỗ trợ là rất cấp thiết.
Mở rộng nhưng phải giám sát chặt chẽ
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc mở rộng các khu công nghiệp của tỉnh hoàn toàn phù hợp Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về quy hoạch, thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp và khu kinh tế.
Đó là các Khu công nghiệp đã hình thành trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% (riêng tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện đã đạt tỷ lệ lấp đầy 62%).
Do đó, việc xây dựng quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới và mở rộng ngày từ bây giờ để tạo quỹ đất sẵn sàng cho thuê trong thời gian tới là rất quan trọng. Bởi để hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành cho tới khi được phê duyệt cũng cần thời gian từ 3-5 năm.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đề xuất định hướng phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 cần tích hợp vào quy hoạch vùng của tỉnh cần bổ sung thêm 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn hơn 8.120 ha gồm: Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 mở rộng với diện tích 650 ha; Khu công nghiệp Xuyên Mộc diện tích hơn 1.143 ha; Khu công nghiệp Đất Đỏ II (mở rộng của Khu công nghiệp Đất Đỏ I) diện tích 1.000 ha; Khu công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức) giai đoạn 2 với diện tích 300 ha; Khu công nghiệp Đá Bạc (huyện Châu Đức) giai đoạn 3, diện tích 400 ha; Khu công nghiệp Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ) diện tích 800 ha; Khu công nghiệp Cù Bị (huyện Châu Đức) diện tích 500 ha; Khu đô thị - công nghiệp Xà Bang (Châu Đức) diện tích 2.290 ha.
Trước đề xuất của Ban quản lý các Khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị, các sở, ban, ngành liên quan phải giám sát chặt chẽ quá trình thành lập mới và mở rộng các khu công nghiệp. Trong đó, cần tính toán đến vấn đề bảo vệ môi trường và hiệu quả đầu tư.
Cùng với việc giám sát chặt chẽ quá trình thành lập mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp, cần tính toán đến vấn đề cung ứng nguồn nhân lực, vấn đề bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, nhất là hướng tới sự chuyên biệt hóa theo ngành nghề của từng khu công nghiệp để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới.