Ba nước ASEAN thanh toán bằng nội tệ trong xuất nhập khẩu
Đông Nam Á nỗ lực duy trì tăng trưởng trong quý cuối năm 2017 |
Nguyên nhân nào khiến Đông Nam Á được coi là 'mỏ vàng' cho ngân hàng Nhật? |
Các thống đốc ngân hàng trung ương của ba nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia tại cuộc họp báo ở Jakarta, Indonesia hôm 11-12. Ảnh: NST. |
Theo tờ Nikkei Asian Review, ba cơ chế thanh toán trực tiếp bằng đồng rupiah (Indonesia) - đồng ringgit (Malaysia), đồng rupiah - đồng baht (Thái Lan) và đồng baht - đồng ringgit sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 2-1-2018.
Nỗ lực này nhằm cung cấp thêm sự lựa chọn thanh toán thương mại, giúp giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, cắt giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả của thương mại và đầu tư.
Các ngân hàng được chỉ định hỗ trợ thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ bao gồm ngân hàng Bangkok Bank (Thái Lan), ba ngân hàng nhà nước của Indonesia, ngân hàng CIMB và Maybank của Malaysia cùng các chi nhánh của hai ngân hàng này ở Indonesia và Thái Lan.
Thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Agus Martowardojo cho biết, 94% giá trị xuất khẩu và 78% giá trị nhập khẩu của Indonesia đang được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Vì thế, thanh toán trực tiếp bằng nội tệ nghĩa là các ngân hàng ở ba nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan có thể hoàn tất các thanh toán mà không cần sử dụng đồng đô la Mỹ, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động. Cơ chế thanh toán mới sẽ mang lại sự ổn định tốt hơn cho hệ thống tài chính Indonesia.
Malaysia và Thái Lan nằm trong số ba đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia ở khu vực ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Indonesia (không tính dầu khí) sang hai nước này đạt 10,3 tỉ đô la trong 10 tháng đầu năm nay. Trong cùng thời gian, Indonesia nhập khẩu 11,9 tỉ đô la giá trị hàng hóa từ Malaysia và Thái Lan.
Ngoài ra, ông Martowardojo còn cho biết thêm, Ngân hàng trung ương Indonesia đang xem xét áp dụng các cơ chế thanh toán trực tiếp tương tự đối với các đồng tiền khác, bao gồm đồng nội tệ của những nước nằm trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia.