Ba nhà khoa học phát triển vắc xin mRNA nhận giải thưởng chính 3 triệu USD từ VinFuture
Tối 20/1 đã diễn ra sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ I tại tại Nhà hát Lớn Hà Nội và trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học - công nghệ VinFuture từ ngày 18-21/1/2022.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới hội tụ tại Việt Nam để tham gia 4 hoạt động chính của Tuần lễ Khoa học VinFuture, gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo; Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống"; Lễ Trao giải VinFuture lần thứ I và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Livestream lễ trao giải thu hút được sự quan tâm với hơn 9.000 lượt xem trực tiếp.
Với tầm vóc là sự kiện quốc tế, buổi lễ vinh danh các chủ nhân giải thưởng VinFuture đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của công chúng trong và ngoài nước. Buổi lễ có sự tham gia, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing…
Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode...
Lễ trao giải được tổ chức theo nghi thức trang trọng nhất, nhằm vinh danh các chủ nhân của hệ thống giải thưởng VinFuture lần thứ nhất, gồm Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) và ba Giải Đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu. VinFuture cũng trao ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính cho ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công nghệ vắc xin mRNA cứu sống hàng triệu người.
GS Kariko và GS Weissman đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vắc xin mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vắc xin của họ.
150 quốc gia đã được hưởng lợi từ sự ra đời của vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA. Hàng triệu người nhờ có vắc xin, đã được bảo vệ mạng sống khỏi dịch bệnh Covid-19.
GS Pieter R. Cullis là Giám đốc Viện Khoa học sự sống tại Đại học British Columbia, Canada. Ông và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
Giải thưởng đặc biệt đầu tiên được trao cho GS Omar M. Yaghi, là một nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California-Berkeley (Mỹ).
Ông được xem là nhà khoa học tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
Giải thứ hai được trao cho GS Zhenan Bao, nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc. Bà nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa học tại ĐH Chicago (Mỹ). Từ năm 2018, bà là Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc ĐH Stanford (eWEAR).
GS Bao đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.
Giải đặc biệt thứ 3 được trao cho vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và GS Salim Abdool Karim.
Ông Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, ông được nhiều người biết đến vì những đóng góp trong việc phòng ngừa và điều trị HIV; ông còn đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về COVID-19.
Bà Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm với hướng nghiên cứu chính là tìm hiểu sự lây lan dịch HIV ở Nam Phi và phòng chống nhiễm HIV ở phụ nữ.
Cùng với Lễ trao giải, VinFuture sẽ tổ chức Tuần lễ khoa học - công nghệ dành cho cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp và start up trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp. Thông qua chuỗi hoạt động giao lưu với Hội đồng giải thưởng và các nhà khoa học đạt giải, VinFuture sẽ kết nối trí tuệ giữa giới khoa học công nghệ Việt Nam với thế giới, giữa giới hàn lâm với doanh nhân khởi nghiệp nhằm góp phần đưa khoa học công nghệ đi vào cuộc sống một cách thiết thực và hiệu quả.
Các thành viên của Hội đồng Giải Thưởng và Hội đồng Sơ khảo VinFuture là các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo uy tín của các tổ chức giáo dục nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu trên thế giới, với những thành tựu được ghi nhận toàn cầu.
Điển hình như Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture là GS. Sir Richard Henry Friend, Đại học Cambridge (Anh), người đạt Giải Millennium Technology Vật lý năm 2010; GS. Gérard Mourou, Đại học École Polytechnique (Pháp), người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018…