Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm rơi nước mắt nói về lương và giờ làm thêm của công nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói về lương và giờ làm thêm của công nhân - Ảnh chụp màn hình
Bà Tâm và ông Lộc tranh luận về việc có nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình tăng lên tối đa 400 giờ/năm so với quy định hiện hành 300 giờ.
Ông Lộc cho rằng đây là khung giờ để người lao động và người sử dụng lao động tự nguyện thỏa thuận. Người lao động có quyền đồng ý hoặc không đồng ý làm thêm, và chỉ giới hạn trong một số ngành nghề đặc thù, thời vụ cao điểm.
Ông Lộc chỉ ra khung giờ làm thêm tối đa của nước ta hiện thấp hơn so với nhiều quốc gia cạnh trạnh về lao động như Bangladesh 408 giờ, Trung Quốc 432 giờ, Hàn Quốc 624 giờ, Indonesia 728 giờ…
Thời gian làm thêm hiện hành cũng không phù hợp với những ngành nghề đặc thù. Ví dụ nuôi thủy sản, nguồn cung ứng nguyên liệu chỉ 3-5 tháng, đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp cần người lao động làm thêm giờ để thu mua hết sản phẩm của nông dân. Không nới rộng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng hàng chục triệu người nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại các vùng.
Tình cảnh tương tự tại các ngành dệt may, da dày, túi xách...
Làm thêm là cực chẳng đã với doanh nghiệp nhưng đó là nhu cầu tự nguyện của người lao động. Kết quả khảo sát mới đây cho thấy 99% làm thêm giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên. Tăng giờ làm thêm là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc
Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi: "Không biết anh Lộc lấy cơ sở nào để nói việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa là hợp lý, nhân văn và tự nguyện? Trong khi tôi nghe từ những người làm công tác công đoàn cho biết người lao động không muốn làm thêm giờ".
Bà Tâm chia sẻ: Thực tế người lao động không muốn làm thêm nhưng buộc phải làm thêm do tiền lương làm chính không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Đời sống nhiều người lao động còn khó khăn, chật vật.
"Chúng ta hãy nhìn dáng vẻ, tâm thế người công nhân, đời sống thực tế của họ. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà ở quê chăm sóc, có cha mẹ nào nỡ lòng xa con. Có những người già phải chăm cháu để con đi xa làm ăn.
Chúng ta phải trân trọng những người như thế. Họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng nên họ phải đi tìm việc làm. Nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật cả ngày thì tôi cho rằng phải tranh luận", bà Tâm nghẹn ngào.
Bà Tâm cho rằng vai trò của Quốc hội là phải làm chính sách để người lao động được trả lương đủ để trang trải cuộc sống, để họ có thời gian để học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và nghỉ ngơi - những quyền con người được quy định trong hiến pháp.
Hãy nghĩ đến trách nhiệm của giới chủ. Sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chỉ dựa vào sức lao động của người lao động mà còn phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng công việc. Nhân văn là bảo vệ quyền con người, nhân văn là tình người trong sử dụng sức lao động, tăng lương giảm giờ làm chứ không phải tăng khung giờ làm thêm.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
Quan điểm khác nhau về tăng khung giờ làm thêm tối đa cũng xảy ra giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ.
Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết UBTVQH không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, nhưng Chính phủ vẫn muốn tiếp tục trình phương án tăng để Quốc hội thảo luận.
Do đó, UBTVQH đề xuất hai phương án:
1, Giữ nguyên khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như hiện nay, nhưng ghi rõ nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong 1 năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.
2, Nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa trong một năm từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ.
Quy định theo phương án này không khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng nhưng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm, đánh giá tác động và bổ sung quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ kể từ giờ thứ 201 hoặc từ giờ thứ 301 trở đi và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/