|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Bạch Điệp rời ghế Tổng Giám đốc FPT Retail sau 8 năm đảm nhiệm

16:20 | 07/03/2020
Chia sẻ
Sau khi thôi chức Tổng Giám đốc, bà Nguyễn Bạch Điệp vẫn là Chủ tịch của FPT Retail.
Bà Nguyễn Bạch Điệp rời ghế Tổng Giám đốc FPT Retail sau 8 năm đảm nhiệm - Ảnh 1.

Một cửa hàng FPT Retail tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Theo tin từ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, Mã: FRT), từ ngày 7/3/2020 bà Nguyễn Bạch Điệp sẽ thôi chức Tổng Giám đốc công ty. Chức Chủ tịch HĐQT của FPT Retail vẫn sẽ do bà Điệp đảm nhiệm.

Người thay thế bà Điệp làm Tổng Giám đốc là ông Hoàng Trung Kiên - thành viên HĐQT độc lập của công ty. Nhiệm kì Tổng Giám đốc của ông Kiên là 3 năm, từ ngày 7/3/2020 đến hết 6/3/2023.

Bà Điệp sinh năm 1972, từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo như Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile, Tổng Giám đốc Công ty điện thoại Ivoice, Tổng Giám đốc FPT Telecom miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ FPT.

Từ năm 2012 đến nay, bà là TGĐ của FPT Retail. Từ 1/1/2017, bà Điệp kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch HĐQT công ty.

Hiện nay bà Điệp đang sở hữu 391.000 cổ phiếu FRT, tính theo giá đóng cửa cuối phiên 6/3 (21.100 đồng/cp), số cổ phiếu này của bà Điệp trị giá khoảng hơn 8 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Bạch Điệp rời ghế Tổng Giám đốc FPT Retail sau 8 năm đảm nhiệm - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Bạch Điệp (trái) và ông Hoàng Trung Kiên (phải). Ảnh: FPT Retail.

Ông Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978, có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và hệ thống thông tin. Ông Kiên làm Thành viên HĐQT của FPT Retail từ tháng 3/2018 đến nay; ông cũng đang làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT. Trước đó, ông từng làm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom).

Ông Kiên và gia đình hiện không sở hữu cổ phiếu FRT của FPT Retail.

Ngày 31/1 năm nay, FPT Retail cũng đã có sự xáo trộn về nhân sự khi bổ nhiệm ông Phạm Duy Hoàng Nam làm Giám đốc Tài chính và người được ủy quyền công bố thông tin thay cho bà Vũ Thanh Huyền.

Trong quí IV/2019, FPT Retail đạt doanh thu thuần đạt 4.207 tỉ đồng, giảm 1,4% so với cùng kì năm trước. Các loại chi phí tài chính, bán hàng, quản lí doanh nghiệp và giá vốn hàng bán tăng cao khiến công ty lỗ sau thuế 26 tỉ đồng trong khi cùng kì năm trước có lãi 120 tỉ đồng. Trong quí liền trước (quí III/2019), công ty vẫn có lãi gần 72 tỉ đồng.

Công ty cổ phần FPT hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 47% vốn của FPT Retail.

Đức Quyền