|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ba Lan là thị trường tiềm năng của xuất khẩu chè

14:12 | 24/12/2020
Chia sẻ
Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu chè vào các nước EU 27 giảm về 0%, đây là cơ hội để ngành chè của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khối EU 27 nói chung và thị trường Ba Lan nói riêng trong thời gian tới.

Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu chè của Ba Lan trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 27.500 tấn, trị giá 81,4 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 7% về trị giá so cùng kỳ năm 2019. 

Giá chè nhập khẩu bình quân của Ba Lan trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 2.964 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019. 

Ba Lan hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trong Liên minh Châu Âu (EU) và là thị trường lớn nhất trong số các nước Đông Âu với gần 40 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ chè tính theo đầu người 1kg/ người/năm. 

Ngoài tiêu thụ chè, Ba Lan còn là thị trường cung cấp chè chính cho các thị trường trong nội khối EU 27. Vì vậy, Ba Lan là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng chè của nhiều thị trường xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Về thị trường, Kenia, Ấn Độ, Trung Quốc là 3 thị trường cung cấp chè chính cho Ba Lan trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng nhập khẩu từ 3 thị trường này chiếm tới 54,9% tổng lượng chè nhập khẩu của Ba Lan. Trong đó, Ba Lan tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Kenia và Trung Quốc.

Đáng chú ý, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, chiếm 14,4% tổng lượng nhập khẩu, tăng 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. 

Việt Nam là thị trường cung cấp chè đen lớn thứ 13 cho Ba Lan, tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm 1,1% tổng lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm 0,7 điểm phần so với cùng kỳ năm 2019. 

Lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam giảm, đạt 289 tấn, trị giá 485.000 USD, giảm 34,2% về lượng và giảm 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu chè vào các nước EU 27 giảm về 0% (trước đây khoảng 20%), đây là cơ hội để ngành chè của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khối EU 27 nói chung và thị trường Ba Lan nói riêng trong thời gian tới.

Ba Lan là thị trường tiềm năng của xuất khẩu chè - Ảnh 1.

Thị trường cung cấp chè cho Ba Lan trong 8 tháng đầu năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương/ITC.

Về mặt hàng, Ba Lan nhập khẩu nhiều nhất là chè đen trong 8 tháng đầu năm 2020, đạt 23.600 tấn, trị giá 69 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 3,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Đơn giá nhập khẩu bình quân mặt hàng chè đen đạt 2.930,6 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Ba Lan nhập khẩu chè đen chủ yếu từ thị trường Kenia và Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm 2020, trong đó tăng mạnh nhập khẩu chè đen từ Kenia và giảm nhập khẩu chè đen từ Ấn Độ. 

Chè đen là mặt hàng cung cấp chính của Việt Nam cho Ba Lan, lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,22% tổng lượng nhập khẩu chè đen của Ba Lan trong 8 tháng đầu năm 2020, giảm 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. 

Ba Lan nhập khẩu chè xanh trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 3.900 tấn, trị giá 12,2 triệu USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 30,4% về trị giá. 

Ba Lan tăng mạnh nhập khẩu chè xanh từ thị trường Trung Quốc, Indonesia, Kenia…Trong khi đó, nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam với lượng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và giảm mạnh cả về lượng và trị giá trong 8 tháng đầu năm 2020.

Như Huỳnh