|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ba hướng đi thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp ngành thép

11:59 | 13/06/2017
Chia sẻ
Trong năm 2017, đại diện DragonCapital nhấn mạnh yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các doanh nghiệp thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm 2016.

Trong năm 2016, thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp ngành thép. Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trong ngành thép nhìn chung đều có xu hướng tăng mạnh.

Tại Hội thảo Triển vọng ngành thép 2017 - 2020, lý giải hiện tượng trên, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc Nghiệp vụ Đầu tư DragonCapital đưa ra 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép đều tăng mạnh nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản. Nhu cầu xây dựng căn hộ tăng cao giúp các doanh nghiệp HPG, HSG và NKG hoạt động gần như tối đa công suất.

Thứ hai, giá thép thế giới phục hồi mạnh, kéo theo sự phục hồi của giá thép trong nước giúp các doanh nghiệp như HPG, HSG, NKG… mở rộng biên lợi nhuận gộp. Trong năm 2017, ông Tuấn nhấn mạnh yếu tố biến động mạnh của giá thép sẽ không còn nên các doanh nghiệp thép mặc dù vẫn sẽ hoạt động có lãi nhưng có thể khó có mức tăng trưởng đột biến như năm 2016. Để minh họa cho nhận định này, ông chỉ ra tại Qúy I/2017, lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp thép như VGS, TIS, thậm chí là HSG đã tăng trưởng chậm lại.

Cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp thép Việt, theo ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn sẽ có 3 hướng đi chính: (1) Tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín; (2) Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao như ống thép, tôn mạ; (3) Mở rộng mạng lưới bán hàng, nâng cao năng lực quản trị.

Ông Tuấn chỉ ra HPG là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi về mô hình ẩn xuất khép kín và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua. Việc tổ chức quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, với chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội thép Thế giới, ngoài bán thành phẩm, các sản phẩm gia công sau cán như tôn mạ, ống thép là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu thép toàn cầu. Và hiện nay, tôn mạ kim loại cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 33% (tương ứng với hơn 1.3 triệu tấn) trong cơ cấu xuất khẩu thép năm 2016 (VSA). Bên cạnh đó, nguyên liệu thép sản xuất que hàn có biên lợi nhuận gộp cao, ở mức 20% vẫn đa số phải nhập khẩu. Do vậy, đây đều là những phân khúc còn tiềm năng tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp thép Việt.

Xây dựng một hệ thống phân phối mạnh giúp các doanh nghiệp chủ động và có vị thế hơn trong việc áp định giá bán. Mô hình này được áp dụng thành công bởi Thép Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen. Điển hình như năm 2015, khi giá HRC giảm nhưng giá bán thành phẩm tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen lại giảm chậm hơn giá HRC, giúp biên lợi nhuận gộp được duy trì.

Cũng theo ông Tuấn, việc áp thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá là một chính sách hoàn toàn đúng đắn của chính phủ Việt Nam. Cuối 2015 – giữa 2016, sản lượng tôn mạ Trung Quốc ước tính chiếm 50% thị phần tại Việt Nam. Vì vậy, việc áp thuế là cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể có thời gian đầu tư công nghệ, nguồn lực để cạnh tranh với thành phẩm Trung Quốc.

Khánh Linh