Ba doanh nghiệp lên sàn, xăng dầu Thanh Lễ hứa hẹn sôi động tuần mới
Ba doanh nghiệp lên sàn, xăng dầu Thanh Lễ hứa hẹn làm sôi động tuần mới. |
CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long (Mã: TLD)
Ngày 29/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Thăng Long được niêm yết trên sàn HOSE và sẽ được giao dịch với mã chứng khoán TLD. 18 triệu cổ phiếu với mức giá tham chiếu 12.000 đồng/cổ phiếu được chính thức giao dịch vào ngày 7/12. Biên độ dao động giá so với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên được quy định là 20%.
CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Ngọc Hà thành lập tháng 9/2000 với vốn điều lệ 11 tỷ đồng. Sau 3 lần tăng vốn, gần đây nhất là đầu năm 2017, Công ty phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ từ 95 lên 180 tỷ đồng.
Tính đến 15/9/2017, Thăng Long chỉ có đúng hai cổ đông lớn là ông Nguyễn An Ngọc nắm giữ 16,67% vốn điều lệ, ông Nguyễn An Quân có 5,56%.
Hai mảng hoạt động lớn của Thăng Long là thi công xây dựng và sản xuất ván ép công nghiệp, loại sản phẩm cần thiết trong lĩnh vực xây dựng.
Từ 2015, Thăng Long đã và đang bắt tay, ký kết các hợp đồng cung cấp ván ép với một số công ty xây dựng trên thị trường: CTCP Thương mại Xây dựng Hưng Thịnh; CTCP Xây dựng Hoàng Long; CTCP Xây dựng và Kinhh doanh Địa ốc Hoà Bình (HBC)... và thực hiện các dự án xây dựng kết hợp với Ban Quả lý dự án Quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng...
Đánh giá về tiềm năng của ngành bất động sản công nghiệp và xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của Thăng Long. Các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều tham vọng và rót vốn vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam như VSIP (Singapore), Amata (Thái Lan), Sumitomo (Nhật Bản)… hay mới đây là Hemaraj Land & Development (Thái Lan) bắt tay với Cienco 4 để thành lập khu công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, rộng 3.200 ha tại Nghệ An. Dòng vốn FDI không ngừng chảy mạnh vào Việt Nam, ghi nhận trong 9 tháng đầu năm, lượng vốn FDI giải ngân đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các chính sách mới như phép người nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam cũng làm cho môi trường pháp lý bất động sản thông thoáng hơn. Năm 2016, tổng sản phẩm khu vực công nghiệp và xây dựng trong nước tăng 7,57% so với năm trước.
9 tháng đầu năm 2017, doanh thu của “ván ép” Thăng Long đạt hơn 116,2 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần doanh thu cả năm 2016, nhờ vào việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và các công ty con và công ty liên kết. Lợi nhuận gộp thu về là hơn 14 tỷ đồng, đóng góp lớn từ hoạt động kinh doanh gỗ ván ép (64%).
Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (Thalexim - Mã: TLP)
Ngày 8/12, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV (Thalexim - Mã: TLP) sẽ đưa 11,8 triệu cổ phần lên giao dịch tại UPCoM với giá tham chiếu 14.800 đồng/cp, cao hơn so với mức đấu giá khởi điểm 10.600 đồng/cp khi IPO.
Trước đó, phiên đấu giá thành công 11,8 triệu cổ phần đã mang về cho Thanh Lễ khoản tiền trị giá hơn 175 tỷ đồng. Sau đợt IPO, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của Thalexim là 2.366 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ; 45,5% vốn được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, và hơn 1 triệu cổ phần, tương đương 0,45% vốn bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp.
Tổng công ty Thanh Lễ, trực thuộc UBND Bình Dương, kinh doanh nhiều sản phẩm và dịch vụ với 11 đơn vị trực thuộc, 5 con ty con, 1 công ty liên doanh liên kết. Các mảng hoạt động chính bao gồm: kinh doanh xăng dầu; đầu tư khai thác và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; kinh doanh bất động sản, cho thuê văn phòng, kho cảng; kinh doanh dịch vụ văn hóa – xã hội, vui chơi giải trí. Trong đó, kinh doanh xăng dầu là hoạt động trọng yếu của Thalexim. Thalexim hiện đang là chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178 ha; tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, tọa lạc tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Năm 2017, Tổng công ty đặt ra kế hoạch doanh thu 6.830 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm 2016, lợi nhuận sau thuế dự kiến 87,9 tỷ đồng.
CTCP Kosy (Mã: KOS)
41,5 triệu cổ phiếu KOS của CTCP Kosy sẽ được giao dịch chính thức trên sàn UPCoM với mức giá 11.300 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần này, ngày 8/12.
Kosy được thành lập từ năm 2008 với số vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Từ năm 2011, công ty chuyển hướng từ hoạt động xây dựng sang xác định kinh doanh bất động sản, phát triển khu đô thị chính là lĩnh vực mũi nhọn. Sau 4 lần tăng vốn đến nay Kosy đạt mức vốn 415 tỷ đồng.
Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tính đến 19/9/2017, ba cổ đông lớn của Kosy bao gồm ông Nguyễn Việt Cường nắm 61,05% vốn cổ phần; ông Nguyễn Thế Hùng nắm 15,18%; ông Nguyễn Trung Kiên nắm 6,75%.
Tổng Giám đốc hiện nay của Kosay là gương mặt quen thuộc, ông Hoàng Hà Phương, từng giữ chức vụ Tổng giám đốc của CTCP Tasco trong 2 năm.
9 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty đạt tương ứng 196 tỷ đồng và 21 tỷ đồng, đạt tương ứng 49% và 33% kế hoạch năm. Năm 2016, lợi nhuận thu về cũng ở mức gần 21 tỷ, tăng đột biến so với 2015, khi lợi nhuận chưa đến 500 triệu đồng. Nguyên nhân là nhờ nguồn thu của dự án bất động sản tại Lào Cai.
Định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới là ưu tiên thực hiện các dự án thanh khoản nhanh, để đẩy nhanh vòng quay vốn, tái đầu tư phát triển các dự án mới. Kosy cũng định hướng da dạng nguồn thu từ thương mại, bán lẻ, giáo dục, thuỷ điện để giảm thiểu rủi ro ngành.
Hiện tại, Kosy đang triển khai 5 dự án trên thị trường với tổng diện tích trên 1,2 triệu m2 và tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng: Kosy Lào Cai, Sông Công, Cầu Gồ, Gia Sàng và Bắc Giang. Đến năm 2020, Kosy dự kiến sẽ tiến hành thêm 5 dự án ở Ninh Bình, Sâp, Hà Nội, Nghệ An, và Lào Cai.