|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Âu Lạc thoát lỗ nhờ bán tàu dầu

10:42 | 19/08/2019
Chia sẻ
Sau năm 2018 kém khả quan, nửa đầu năm 2019 tiếp tục là quãng thời gian khó khăn và thiếu may mắn của ông lớn vận tải xăng dầu Sài Thành.
Âu Lạc thoát lỗ nhờ bán tàu dầu - Ảnh 1.

Trụ sở CTCP Âu Lạc trên đường Trương Văn Bang, Quận 2, TP.HCM. Ảnh: An Du

CTCP Âu Lạc vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 với nhiều diễn biến đáng chú ý.

Trong nửa đầu năm, Âu Lạc đạt doanh thu 262,5 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp chỉ còn vỏn vẹn 809 triệu đồng, giảm tới 99%. Trừ đi các loại chi phí, Âu Lạc chịu mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 33 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái lãi 16 tỷ đồng.

Trước mức lỗ rất lớn, Âu Lạc đã phải đi đến quyết định bán tàu Aulac Venus và nhận về khoản tiền 133 tỷ đồng. Nhờ vậy, công ty vẫn báo lãi sau thuế gần 50 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần 2 quý đầu năm ngoái (13 tỷ đồng).

Nhìn chung, thị trường vận tải biển vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, bao gồm cả lĩnh vực vận tải xăng dầu mà Âu Lạc là một trong những tên tuổi hàng đầu.

Những năm trước đây, khi mà các doanh nghiệp cùng ngành chìm trong thua lỗ, thì Âu Lạc vẫn đạt kết quả tương đối thuận lợi. Song từ năm 2018, đơn vị này bắt đầu lao dốc đáng kể, khi lợi nhuận giảm 90% so với năm 2017 chỉ đạt 18% kế hoạch cả năm.

Theo Âu Lạc, thị trường biến động liên tục và thất thường đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường vận tải xăng dầu khi nguồn cung nhiều hơn nhu cầu, các tàu thường xuyên phải neo đậu chờ khách dài ngày. Việc tàu bị huỷ chuyến nhiều, trễ chuyến cũng gây nhiều khó khăn trong việc sắp xếp lịch tàu phù hợp, không tận dụng được các chuyến hàng có lợi nhuận cao. Đội tàu thực hiện nhiều tuyến ngắn trong nội địa Malaysia và chuyển cảng tại Singapore nên giá cước thấp, tỷ suất lợi nhuận không cao. Số ngày neo chờ của đội tàu cũng tăng lên đáng kể (tăng 31 ngày so với năm 2017).

Cùng với đó, tình hình an ninh vùng biển phía Nam biển Sulu-Philippines và khu vực tiếp giáp với phía bắc đảo Boneo-Malaysia vẫn còn rất nguy hiểm cho tàu và thuỷ thủ đoàn nên đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác hàng hoá cho đội tàu tuyến hành trình từ Singapore/Nam Trung Quốc đi Cebu và/hoặc Bacolod, Philippines. Năm 2018, dù thị trường vận tải khó khăn song Âu Lạc vẫn không khai thác tuyến đường này vì yếu tố nguy hiểm.

Đầu tháng 1/2019, Âu Lạc còn vướng vào "vận đen" khi tàu dầu Aulac Fortune cháy lớn ngoài khơi HongKong. Báo cáo tài chính thể hiện doanh nghiệp này đã phải chi tới 61,6 tỷ đồng liên quan đến việc cứu hộ tàu dầu của mình. Tuy nhiên Âu Lạc đánh giá toàn bộ khoản chi này thuộc phạm vi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm thân tàu và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự đã ký kết.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Âu Lạc đặt kế hoạch doanh thu 801 tỷ đồng, lãi sau thuế 101 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành 1/3 chỉ tiêu doanh thu và non nửa chỉ tiêu lợi nhuận. 

Nếu không tiếp tục xuất hiện doanh thu đột biến từ thanh lý tài sản, Âu Lạc sẽ không dễ hoàn thành kế hoạch do ĐHĐCĐ thông qua, nhất là khi đội tàu 8 chiếc nay chỉ còn 6 do bán 1 chiếc và đang sửa chữa 1 chiếc.

Tới cuối quý II/2019, tổng tài sản của Âu Lạc đạt 1.546 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương gần 200 tỷ đồng, tài sản cố định hơn 1.000 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn điều lệ là 527 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.015 tỷ đồng (nhờ lãi chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần khá lớn), vay nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) là 455 tỷ đồng.

Âu Lạc thoát lỗ nhờ bán tàu dầu - Ảnh 2.

Bà Ngô Thu Thuý (bên phải ngoài cùng) có mặt tại ĐHĐCĐ thường niên Eximbank lần 2 ngày 21/6/2019. Đứng phát biểu phía sau là cụ ông Nguyễn Chấn với màn "luận tội" con trai Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank. Ảnh: An Du

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, Âu Lạc năm 2018 đã mua 3,7 triệu cổ phần EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá 53,6 tỷ đồng. Theo giá cổ phiếu trên sàn HoSE đóng cửa phiên 28/6, Âu Lạc tạm ghi nhận khoản "lãi" 16 tỷ đồng.

Dù đầu tư hàng chục tỷ đồng, song gần 4 triệu cổ phiếu EIB chưa phản ánh đúng vị thế thực sự của nhóm Âu Lạc tại Eximbank, khi mà đại gia vận tải xăng dầu Sài Thành được coi là một trong những thế lực lớn nhất tại Eximbank từ đầu nhiệm kỳ HĐQT năm 2015 đến nay.

Ông Lê Minh Quốc - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Âu Lạc từng đảm trách Chủ tịch HĐQT Eximbank từ cuối năm 2015 đến tháng 5/2019 vừa qua. Nhóm Âu Lạc còn một đại diện nữa trong Eximbank là Thành viên HĐQT Nguyễn Thanh Tùng (cựu Thành viên HĐQT Âu Lạc). 

Cũng không thể không đề cập đến trường hợp Chủ tịch Âu Lạc là bà Ngô Thu Thuý, người từng được bổ nhiệm làm cố vấn cấp cao HĐQT Eximbank vào năm 2015.

Dù vậy, những lùm xùm vừa qua tại Eximbank, trong đó có việc ông Lê Minh Quốc bị "tước" ghế Chủ tịch, cùng hoạt động kinh doanh của bản thân Âu Lạc không mấy khả quan, dẫn tới những đồn đoán rằng ảnh hưởng của nhóm này tại Eximbank đang giảm sút khá nhiều.

An Du