|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Âu Lạc liên tục cắt lỗ cổ phiếu ACB

20:00 | 16/10/2023
Chia sẻ
Báo cáo tài chính quý III vừa được Âu Lạc công bố cho thấy doanh nghiệp vận tải xăng dầu của bà Ngô Thu Thúy tiếp tục cắt lỗ khoản đầu tư vào cổ phiếu ACB.

Âu Lạc cắt lỗ ACB sau khi "đu đỉnh" đầu năm 2022

Khi cổ phiếu ACB ở vùng đỉnh lịch sử, Âu Lạc đã chi ra hơn 316 tỷ đồng để mua vào trong quý I/2022 và gia tăng trong quý sau đó, đưa tổng số tiền đầu tư vào mã này lên hơn 365 tỷ đồng. Sau khi tổ chức này gom lượng lớn, cổ phiếu ACB giảm sâu theo chiều hướng chung của thị trường. 

Sang đến năm 2023, khi giá cổ phiếu ACB hồi phục trở về vùng đỉnh cũ, Âu Lạc liên tục bán cắt lỗ. Tại thời điểm 30/9, giá gốc khoản đầu tư này giảm còn 79,15 tỷ đồng, đang tạm lỗ 2,66 tỷ đồng. Ước tính giá trị đầu tư vào cổ phiếu ACB bị thu hẹp 96 tỷ đồng trong quý II và 286,3 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Quyết định cắt lỗ cổ phiếu ACB khiến Âu Lạc mất hơn 9,4 tỷ đồng trong ba quý đầu năm nay. Như vậy, nhà vận tải biển này đã không “mát tay” với khoản đầu tư vào ACB dù từng chốt lãi “bằng lần” cổ phiếu EIB của Eximbank.

 Bà Ngô Thu Thúy. Ảnh: Âu Lạc.

Chân dung Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy

Thông tin về hoạt động của Âu Lạc, công ty có trụ sở tại TP HCM được thành lập năm 2002. Ngành nghề chính là vận tải xăng đầu bằng đường biển trong nước và quốc tế. Địa bàn hoạt động cả công ty là nội địa Việt Nam, khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…

Sau các đợt tăng, vốn điều lệ của Âu Lạc thời điểm cuối tháng 9/2023 là 564,7 tỷ đồng. Cấu trúc cổ đông của công ty có sự thay đổi trong năm 2022 khi cổ đông lớn giảm sở hữu từ 61,9% còn 36,2%. Danh sách cổ đông lớn của công ty không được nêu chi tiết. Tuy nhiên, bà Ngô Thu Thúy và chồng là ông Nguyễn Đức Hinh có sức ảnh hưởng lớn tại đơn vị vận tải xăng dầu này khi giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Báo cáo quản trị công ty cho thấy vợ chồng doanh nhân Ngô Thu Thúy không sở hữu trực tiếp cổ phần của Âu Lạc. Nhưng hai người con là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny nắm giữ 12,81% và 9,82% vốn của Âu Lạc.

Ngoài vai trò dẫn dắt tại Âu Lạc, bà Ngô Thu Thúy còn là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng khi từng là là cố vấn cho Hội đồng Quản trị Eximbank. Âu Lạc và Eximbank trước đó cũng có mối quan hệ tín dụng lâu năm. Đây có thể là lý do hãng vận tải xăng dầu của doanh nhân Ngô Thu Thúy ưa thích với khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, trong đó có khoản đầu tư vào cổ phiếu EIB sẽ được nêu dưới đây.

Trên thực tế, khoản đầu tư vào EIB của Âu Lạc không dừng lại ở đầu tư tài chính khi cổ đông tổ chức này từng góp mặt trong việc đề cử người tham gia hội đồng quản trị của Eximbank.

 Kết quả kinh doanh của Âu Lạc. Nguồn: BCTC.

Trở lại với mảng kinh doanh cốt lõi của Âu Lạc, đội tàu cuối năm 2022 có 5 chiếc tàu dầu và 1 tàu hàng. Tổng tài sản của công ty đến cuối tháng 9 là 2.431 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Âu Lạc thăng trầm trong 10 năm gần đây bởi ảnh hưởng của giá nguyên liệu, giá cước vận tải biển, biến động tỷ giá và lãi suất vay ngân hàng. Giai đoạn 2015 – 2017, công ty kinh doanh phát đạt với mức lãi trước thuế đều trên 100 tỷ đồng.

Khoản đầu tư lãi bằng lần vào EIB

Năm 2018, kinh doanh đi xuống, lợi nhuận trước thuế của Âu Lạc thu hẹp còn 14 tỷ đồng, thấp nhất trong 10 năm trở lại. Tháng 5/2018, Âu Lạc ra nghị quyết đầu tư vào cổ phiếu EIB. Đây cũng là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm sau khi đạt đỉnh 1.200 điểm đầu quý II cùng năm.

Từ năm 2018 đến năm 2021, Âu Lạc thực hiện nhiều đợt mua cổ phiếu EIB. Cuối năm 2021, Âu Lạc nắm giữ hơn 4,3 triệu cổ phiếu EIB với giá gốc 72,2 tỷ đồng và giá thị trường 145,2 tỷ đồng.

Đầu năm 2022, hãng vận tải biển này quyết định chốt lời khoản đầu tư lãi bằng lần vào EIB, khi đó VN-Index đang lình xình trên vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Tuy nhiên, khi chưa bán EIB, Âu Lạc đã chi hơn 316 tỷ đồng để mua vào ACB trong quý I/2022 và tiếp tục nâng lên 365,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2022.

Lệnh bán EIB được thực hiện trong quý II/2022 và tiếp tục được thực hiện ở quý cuối năm. Cùng với Âu Lạc, nhóm Thành Công cũng thoái vốn tại Eximbank trong năm 2022. Quyết định chốt lời toàn bộ cổ phiếu EIB giúp Âu Lạc hạch toán lãi kinh doanh chứng khoán 82,1 tỷ đồng, góp phần vào mức lãi trước thuế cao nhất lịch sử 168 tỷ đồng năm 2022. 

Còn với ACB, quyết định mua đúng vùng đỉnh lịch sử đã khiến Âu Lạc luôn trong trạng thái lỗ. Khi giá cổ phiếu này đang trở về vùng đỉnh cũ, Âu Lạc thực hiện cắt lỗ từng phần như đã nêu trên.

Hoàng Linh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.